Thí nghiệm kinh hoàng khiến động vật "khỏe" hơn 240 lần

  •   53
  • 3.680

Một thí nghiệm gây tranh cãi vì đối xử ngược đãi với động vật được thực hiện vào những năm 1950 đã mang lại kết quả đáng kinh ngạc.

Vào những năm 1950, giáo sư Curt Richter tại trường đại học Harvard (Mỹ) đã thực hiện một thí nghiệm kinh hoàng với chuột, để xem chúng có thể vùng vẫy dưới nước trong bao lâu trước khi... chết đuối.

Những gì mà chuột có thể làm là "chấp chới" ở mặt nước
Những gì mà chuột có thể làm là "chấp chới" ở mặt nước.

Đầu tiên Richter bắt 12 con chuột, bỏ chúng vào từng lọ riêng biệt chứa nước ngập đến phân nửa. Sau đó, ông cùng các cộng sự quan sát phản ứng của chúng.

Những lọ thủy tinh này được thiết kế với kích thước khá lớn, và dốc thẳng đứng ở 2 cạnh, nên chuột không thể bám vào thành lọ hoặc nhảy ra bên ngoài.

Mặc dù là những tay bơi cừ khôi trong giới động vật, nhưng tất cả những gì mà chuột có thể làm là "chấp chới" ở mặt nước, cào cào vào thành lọ trong tuyệt vọng, để rồi đa số sẽ chết chìm trong khoảng 15 phút.

Curt Richter lặp lại thí nghiệm trên, nhưng có một chút thay đổi. Lần này, ông nhấc lũ chuột ra khỏi lọ khi chúng có dấu hiệu kiệt sức và chuẩn bị chết đuối.

Những con chuột sống sót sẽ được hong khô, hồi sức trong ít phút, rồi lại một lần nữa bị cho vào những chiếc lọ "tử thần".

Bạn sẽ nghĩ rằng những con chuột vừa bị vắt kiệt sức và đối mặt với cái chết sẽ chẳng thể trụ được lâu. Thế nhưng, kết quả ghi nhận được đã khiến ngay cả các nhà khoa học cũng phải bất ngờ.

Giới hạn của những con chuột sống sót được đẩy lên cao đến kinh ngạc.
Giới hạn của những con chuột sống sót được đẩy lên cao đến kinh ngạc.

60 tiếng! Đó là thời gian trung bình mà một con chuột có thể sống sót (lần 2) bằng cách bơi chấp chới trên mặt nước. Trong đó, cá biệt có một số con trụ được tới 81 tiếng.

Như vậy nhìn chung, chuột đã "khỏe" hơn khoảng 240 lần so với lần đầu tiên thực hiện thí nghiệm. Tại sao lại như vậy?

Các nhà khoa học lý giải rằng cũng giống như con người, động vật có tồn tại khái niệm về ý chí, niềm tin và sự lạc quan. Đây có lẽ là những gì được hội tụ từ bản năng sinh tồn, khi bất kỳ loài động vật hay thực vật nào cũng đều sở hữu.

Đối với những con chuột thí nghiệm, chúng ắt hẳn tin rằng mình sẽ được cứu một lần nữa, nên đã đẩy giới hạn của bản thân lên gấp hàng trăm lần, tới mức mà ai cũng cho rằng bất khả thi.

Đây quả thực sẽ là một thí nghiệm rất thú vị, nếu như thứ đánh đổi không phải là mạng sống của những con chuột tội nghiệp.

Cũng chính vì lý do này, nên thí nghiệm của Curt Richter bị nhiều người lên án là ngược đãi và đối xử không công bằng với động vật.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản biện cho rằng nếu không làm vậy, các nhà khoa học sẽ không thể biết giới hạn của chuột được đẩy lên tới mức nào khi chúng đối mặt cái chết.

Cập nhật: 20/10/2021 Theo Dân Trí
  • 53
  • 3.680