Nói được từ 2 ngôn ngữ trở lên không chỉ mở ra thế giới mới trong thời đại toàn cầu hóa, mà còn giúp não phát triển hơn.
Phát hiện mới cho thấy việc thành thạo 2 ngôn ngữ tạo nên sự thay đổi trong hoạt động của não bộ. Nó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến não, thậm chí cải thiện các khả năng nhận thức không hề liên quan đến ngôn ngữ, và tạo lá chắn vững chắc chống tình trạng mất trí nhớ ở người già.
Phát hiện trên hoàn toàn khác với ý kiến về việc một người thành thạo 2 ngôn ngữ trong thế kỷ 20. Các nhà nghiên cứu, giáo dục và xây dựng chính sách từng xem ngôn ngữ thứ 2 giống như một dạng can thiệp, cản trở sự phát triển của khả năng học tập và trí thông minh. Tuy nhiên, họ cũng không hoàn toàn sai về khoản “can thiệp”. Có nhiều ví dụ cho thấy các hệ thống 2 ngôn ngữ trong não cùng kích hoạt dù người đó chỉ đang sử dụng một. Điều này tạo ra tình huống một hệ thống cản trở cái còn lại.
Thành thạo 2 ngôn ngữ giúp cải thiện khả năng xử lý của não
Nhưng phát hiện mới của giới chuyên gia cho thấy chính sự can thiệp đó buộc não phải giải quyết xung đột nội tại, tạo môi trường tập luyện để tăng cường khả năng nhận thức. Ví dụ, người thông thạo 2 ngôn ngữ dường như giải các câu đố giỏi hơn người chỉ nói 1 ngôn ngữ, theo báo The New York Times dẫn kết quả nghiên cứu vào năm 2004 của các chuyên gia Ellen Bialystok và Michelle Martin-Rhee. Các nghiên cứu dạng này cho thấy việc thành thạo 2 ngôn ngữ cải thiện hiệu quả chức năng quản trị của não.
Tại sao sự xung đột giữa 2 hệ thống ngôn ngữ lại cải thiện những khía cạnh nhận thức? Chuyên gia Albert Costa của Đại học Pompea Fabra (Tây Ban Nha) cho rằng sự khác biệt chủ chốt giữa người nói thạo 2 ngôn ngữ và người chỉ nói tiếng mẹ đẻ có thể nằm ở khả năng giám sát môi trường xung quanh. “Người nói 2 thứ tiếng buộc phải chuyển đổi ngôn ngữ thường xuyên, như dùng tiếng Ý nói với người này và tiếng Đức nói với người kia”, The New York Times dẫn lời ông Costa. Trong một nghiên cứu so sánh người nói tiếng Đức - Ý và người chỉ nói tiếng Ý, người nói tiếng Đức - Ý không những thực hiện các nhiệm vụ theo dõi - giám sát tốt hơn, mà còn sử dụng hiệu quả phần não triển khai hoạt động này.
Các chuyên gia còn phát hiện không bao giờ muộn khi bắt đầu học một ngôn ngữ mới, vì tác dụng xảy ra đối với mọi độ tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người già. Biết thêm ngoại ngữ, và càng thành thạo, thì càng đẩy lùi được nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ và những triệu chứng của bệnh Alzheimer, theo nghiên cứu của Đại học California tại San Diego.