Các nhà nghiên cứu, bảo tồn thuộc Chương trình bảo tồn rùa châu Á đã chính thức khẳng định con rùa khổng lồ ở hồ Xuân Khanh chính là loài rùa Hồ Gươm huyền thoại.
Chiều 12/4, anh Lê Trung Tuấn điện thoại cho tôi, thông báo rằng, nhóm thợ đánh cá của anh đã tóm được “cụ rùa” khổng lồ ở hồ Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây). Thông tin quá bất ngờ, chấn động, nên tôi lập tức tìm lên hồ nước lớn này.
Người dân tụ tập trên đập, ngồi chờ kết quả. Nhóm thợ đánh cá với những chiếc thuyền máy chạy ngược xuôi vây lưới. Anh Chu Trọng Khanh, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy sản và dịch vụ du lịch Suối Hai, kéo chiếc thuyền nhỏ đạp mái chèo, đưa tôi ra khu vực lưới vây, gần bụi tre ven bờ, để tìm dấu tích rùa khổng lồ vừa mắc lưới.
Vây lưới nhiều lớp để bắt rùa khổng lồ ở hồ Xuân Khanh.
Anh Hoàng Văn Hà và Nguyễn Tài Thắng là hai cán bộ của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á đang túc trực bên bờ, cạnh bụi tre. Người mang máy tầm ngư (ngư dân dùng tìm kiếm cá ở biển) để theo dõi sự di chuyển của con rùa, người cầm ống nhòm soi từng tăm nước và lăm lăm máy ảnh trên tay, để chụp khi rùa khổng lồ ngoi lên khỏi mặt nước.
Theo lời anh Khanh, đây là lần đầu tiên công ty đưa hệ thống lưới vây hiện đại đánh cá ở hồ Xuân Khanh và điều thú vị là đã chạm mặt ngay rùa khổng lồ, mà người dân ở đây gọi là con giải.
Nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn đã thầu cả hồ Suối Hai và Xuân Khanh, để thả cá và đầu tư bộ lưới trị giá 5 tỷ đồng nhập từ Na Uy, để đánh bắt cá hiệu quả hơn, do đó, việc chạm mặt rùa khổng lồ là điều dễ hiểu.
Mới đây, anh Lê Trung Tuấn đã gọi tôi lên hồ Suối Hai, để gặp các công nhân đánh cá và người dân sống ven hồ, tìm hiểu về loài vật mà anh trân trọng gọi là “cụ rùa”. Theo anh, cả hồ Suối Hai và Xuân Khanh đều còn loài rùa Hồ Gươm khổng lồ này.
Rất nhiều công nhân, ngư dân đánh cá trên hồ, đã gặp loài rùa khổng lồ này nổi trên mặt nước. Điều đặc biệt, là cả chục mẻ lưới thất thoát vài chục tấn cá, bởi những con giải khổng lồ xé lưới rách toang hoang.
Ông Cao Xuân Tý, 70 tuổi, từng là thợ đánh cá ở Suối Hai, dù đã về hưu nhưng vẫn chỉ đạo nhóm thợ đánh cá ở hồ Suối Hai và Xuân Khanh giúp anh Lê Trung Tuấn. Ông Tý bảo rằng, loài rùa khổng lồ có bộ móng như bọc thép gắn dao lam, cào một nhát thì bất kỳ lưới nào cũng tan hoang. Có bao nhiêu con rùa khổng lồ vào lưới, thì có bấy nhiêu vết rách dài đến vài mét.
Theo ông Tý, nhiều khi bọn rùa khổng lồ còn nhắm chuồng gom cá của bộ lưới liên hợp để chén chiến lợi phẩm của những người đánh cá. Chúng có sức mạnh vô địch, nên chẳng sợ gì lưới, mà cứ xông vào đớp cá, ăn no chán chê, rồi phá lưới thoát thân. Nhiều mẻ lưới kéo lên, vớt được cả chục con cá bị đớp mất nửa thân ngọt như dao chém.
Ông Cao Xuân Tý.
Bản thân ông từng đánh bắt được rất nhiều rùa khổng lồ nặng trên 1 tạ. Con to nhất bị làm thịt nặng đến 2,8 tạ, không rõ mấy trăm tuổi. Hồ Suối Hai rộng tới 1.200 héc ta, mênh mông sóng nước, nên chuyện còn sót lại những con rùa khổng lồ ẩn dưới đáy, trốn ở các hòn đảo là khả năng rất cao.
Vừa giăng lưới, ông Cao Xuân Tý vừa kể: “Trước đây hồ Xuân Khanh nhiều giải khổng lồ lắm, chúng tôi bắt được suốt. Người dân thì câu giải nấu chuối đậu thường ngày. Tuy nhiên, hai chục năm nay thì không thấy ai bắt được con nào cả. Việc còn một con giải to ở đây, thì tôi cũng biết lâu rồi, nhưng chưa được nhìn thấy. Hôm nay, tôi chỉ đạo anh em thả lưới vây, thì mắc ngay con giải to”.
Theo ông Tý, khoảng 13 giờ ngày 12/4, khi các tay lưới được thu gọn để gom cá, thì phía lưới cách bụi tre 30m xuất hiện hai dải tăm chạy vòng quanh trong lưới. Nhìn dải tăm này, ông Tý nghi trúng rùa khổng lồ. Loài rùa này, khi động, chúng chạy ở mặt bùn. Hai bên chân cào dưới bùn, tạo ra hai dải tăm. Nhìn khoảng cách giữa hai dải tăm nổi lên mặt nước, những người có kinh nghiệm như ông sẽ biết được cân nặng của con rùa này.
Biết có rùa khổng lồ ở trong lưới, ông Tý chỉ đạo nhóm thợ đánh cá tạm dừng công việc, để mặt nước lặng yên, chờ xem động tĩnh của nó.
Hình ảnh "rùa Hồ Gươm" khổng lồ nổi đầu ở hồ Xuân Khanh. (Nguồn: Chương trình bảo tồn rùa châu Á).
Một lát sau, thì con rùa khổng lồ liên tục nổi lên mặt nước, trong vòng vây của lưới. Ông Tý chỉ tay xuống lòng chiếc thuyền bảo: “Đầu nó to gần bằng cái phích, lưng nó to bằng lòng cái thuyền, nặng trên 1 tạ”.
Thời điểm đó, con rùa liên tục nổi lên mặt nước, rồi chạy dưới đáy hồ, có vẻ như tìm đường thoát thân. Nó thò mũi lên thở, rồi lại lặn rất nhanh, khiến hai cán bộ của Chương trình bảo tồn rùa châu Á quay phim chụp ảnh cũng không rõ.
Khi con rùa không nổi lên nữa, thì nhóm thợ đánh cá buộc cục đá ong vào sợi dù, rồi thả xuống lòng hồ, cứ nhấc cục đá lên lại thả xuống. Cục đá liên tục rơi vào lưng rùa, khiến nó bỏ chạy sủi tăm.
Theo anh Hoàng Văn Hà, cán bộ Chương trình bảo tồn rùa châu Á, thì chính xác đã phát hiện cá thể rùa mai mềm khổng lồ thuộc loài rùa Hồ Gươm ở hồ Xuân Khanh, tuy nhiên, dù đã vây lưới được nó, nhưng khả năng bắt được là cực khó. Bởi vì, hồ nước rất sâu, có nhiều vật cản, nên nó chỉ nằm bẹp xuống mặt bùn là lưới vọt qua, không thể bắt được.
Bản thân anh Hoàng Văn Hà và Nguyễn Tài Thắng đã đóng chốt ở hồ nước này từ năm 2012 để truy tìm dấu tích loài rùa này và đến hôm nay, đúng ngày Chương trình bảo tồn rùa châu Á có kết quả công bố, gồm cả hình ảnh và mẫu xét nghiệm ADN, thì con rùa lại dính vào lưới.
Anh Nguyễn Tài Thắng đã có nhiều năm "mật phục" ở hồ Xuân Khanh và giờ anh khẳng định chắc chắn có cá thể giải khổng lồ ở đây.
Mong muốn của các nhà nghiên cứu, nếu bắt được rùa, thì sẽ đưa nó về Đồng Mô, để ghép đôi với cá thể rùa đang sống ở hồ nước này. Tuy nhiên, anh Lê Trung Tuấn phản đối ý tưởng đó, bởi theo anh, hồ Đồng Mô đã quá ô nhiễm. Bản thân anh đã xét nghiệm mẫu nước ở Đồng Mô với mục đích thầu mặt nước và nhận thấy hàm lượng chì vượt mức cho phép tới 60 lần. Theo anh Tuấn, thủ phạm là những sân golf, hàng ngày ngấm hóa chất xuống hồ. Đó là lý do anh không thầu hồ Đồng Mô để phát triển thương hiệu cá sạch Ba Vì.
Theo anh Nguyễn Tài Thắng, mới đây, nhóm nghiên cứu đã lấy rất nhiều mẫu nước ở hồ Xuân Khanh, nơi con rùa thường xuyên trú ngụ, để gửi sang Mỹ phân tích. “Nói một cách nôm na, thì khi con rùa trú ngụ ở đâu, nó sẽ bài tiết ra môi trường nước nhiều thứ, và trong mẫu nước ở khu vực đó sẽ chứa đựng nhiều thông tin về gen, nên chỉ cần lấy được mẫu nước có chứa gen, thì sẽ xác định được hồ nước đó có sự xuất hiện của rùa hay không một cách chính xác gần như tuyệt đối” - anh Thắng cho biết.
Và theo anh Thắng, ngoài việc chụp được hình ảnh, quan sát bằng thực tế, và xét nghiệm gen qua mẫu nước, đã khẳng định hồ Xuân Khanh chắc chắn có con giải (tên khoa học Rafetus swinhoei), còn có tên gọi khác là rùa Hoàn Kiếm, được xem là loài rùa nguy cấp, quý, hiếm nhất thế giới.
Tác giả bên con giải bằng đồng, được mô phỏng y như thật, đúng kích cỡ, ở chùa Tây Viên Tự (thành phố Tô Châu, Giang Tô, Trung Quốc) .
Như vậy, trên toàn thế giới, đã xác định còn 4 con, trong đó, ở ngôi chùa Tây Viên Tự (thành phố Tô Châu, Giang Tô, Trung Quốc) có 2 con, một con ở hồ Đồng Mô và một con ở hồ Xuân Khanh.
Anh Lê Trung Tuấn cho biết: “Mặc dù chúng tôi thầu lại hồ để phát triển thương hiệu cá sạch Ba Vì, nhưng chúng tôi coi rùa Hồ Gươm là báu vật, là linh vật, nên sẽ hết sức bảo vệ. Chỉ có điều, cạnh hồ Suối Hai và Xuân Khanh là bãi rác Xuân Sơn khổng lồ, đang ngày đêm thải nước bẩn xuống cả hai hồ. Nếu không ngăn chặn sớm việc này, thì không chỉ hai hồ nước tuyệt đẹp ô nhiễm, mà những cụ rùa Hồ Gươm sớm muộn cũng mất mạng với họ”.