Thông tin về cúm gà phải nhanh và chính xác

  •  
  • 77

Hôm nay, các quan chức và chuyên gia y tế trên toàn thế giới sẽ tập trung tại Washington (Mỹ), bắt đầu cuộc hội thảo 2 ngày về vấn đề phối hợp giữa các quốc gia trong chiến dịch đẩy lùi đại dịch cúm H5N1.

Mục tiêu của hội thảo là phát triển các phương thức chia sẻ thông tin và nguồn bệnh phẩm để theo dõi tiến trình đột biến của virus H5N1 cho tới khi có được khả năng truyền bệnh từ người sang người, châm ngòi cho một đại dịch tàn khốc nhất trong đầu thế kỷ 21 - Bộ ngoại giao Mỹ cho biết.

Cho tới nay, virus H5N1 đã buộc một số quốc gia phải tiêu huỷ hàng chục triệu gia cầm, gây bệnh cho hơn 100 người, trong đó có ít nhất 60 người thiệt mạng ở 4 nước châu Á kể từ cuối năm 2003. Ước tính H5N1 đã làm tổn thất 10-15 tỷ USD cho ngành chăn nuôi gia cầm thế giới, thiệt hại nặng nề nhất rơi vào Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Tuy nhiên, đây mới chỉ là "màn mở đầu". Nỗi lo ngại lớn nhất là loại siêu vi trùng nhỏ bé sẽ đột biến và có đủ khả năng truyền bệnh từ người sang người, gây thiệt mạng cho hàng triệu người chỉ trong vài tháng.

Để bám sát tiến trình đột biến của virus, các nhà khoa học cần lưu giữ mẫu xét nghiệm, đặc biệt là của người bệnh. Song một số chuyên gia phàn nàn rằng có những quốc gia chia sẻ mẫu bệnh phẩm dè dặt. Tình trạng này sẽ gây trở ngại cho việc xây dựng danh sách các bước đột biến của virus, giúp dự đoán thời điểm virus có được khả năng lây bệnh cho người.

Một số mô phỏng trên máy tính cho thấy việc hành động nhanh chóng có thể giúp khống chế các vụ dịch, ngăn không cho nó tiến triển thành đại dịch. Song điều này đòi hỏi tất cả các quốc gia phải chia sẻ thông tin này kịp thời.

Giới chuyên gia hy vọng rằng cuộc hội thảo lần này của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như những buổi làm việc trong thời gian tới có thể giúp xây dựng cơ sở. "Mục tiêu là gắn kết 65 quốc gia và các tổ chức quốc tế quan tâm tới việc ngăn chặn sự lây lan của cúm gà", đại diện của Bộ Ngoại Giao Mỹ Sean McCormack nhấn mạnh. Mỗi thành viên tham dự cần thống nhất những "nguyên tắc cơ bản", bao gồm "sự rõ ràng của thông tin về bất kỳ vụ dịch tiềm ẩn nào với sự chính xác và kịp thời; phối hợp quyên góp cho những quốc gia bị ảnh hưởng hoặc có thể bị ảnh hưởng; phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới".

Trong thời gian tới sẽ có hàng loạt cuộc hội thảo xoay quanh chủ đề cúm gia cầm. Điển hình là hội thảo khu vực châu Á - Thái Bình dương do Australia tổ chức vào cuối tháng 10, hội thảo cấp cao của Canada vào ngày 25-26/10 và hội thảo của WHO vào 7-8/11 ở Geneva để tập trung gây quỹ.

Mỹ Linh (theo Reuters)

Theo VnExpress
  • 77