Nhà thiết kế vải người Hungary Judit Eszter Karpati vừa cho ra đời loại vải có thể thay đổi màu sắc trong tích tắc khi chịu tác động của nhiệt độ hoặc sức ép từ môi trường xung quanh, nhờ tích hợp kỹ thuật điện tử và vi tính.
Đây là một phần trong dự án mang tên Chromosonic của Karpati và trường Đại học Nghệ thuật và Thiết kế Moholy-Nagy nhằm nghiên cứu làm thế nào để thế giới truyền thông kỹ thuật số trở nên chân thực hơn, thông qua các sản phẩm dệt may.
Trên trang web của mình, nhà thiết kế Karpati cho biết sản phẩm thử nghiệm là sự kết hợp giữa kỹ thuật dệt may truyền thống với công nghệ truyền thông số. Theo đó, vải được nhuộm bằng loại thuốc nhạy cảm nhiệt độ và tích hợp thêm bộ vi điều khiển cung cấp dòng điện 12V, 20 bảng mạch in (PCB) thiết kế riêng biệt để điều khiển và kiểm soát 4 nguồn cung cấp điện 24V.
Khi người mặc di chuyển, màu sắc và hoa văn trên vải sẽ thay đổi và phản ứng khi chịu tác dụng nhiệt hoặc lực ép.
Đặc biệt, người chạm vào cũng sẽ để lại dấu vết trên bề mặt vải. “Mối quan tâm chính của tôi trong thiết kế vải là thay đổi các bề mặt, cấu trúc vải cũng như tích hợp công nghệ tương tác vào vải” – Karpati cho biết. Trong tương lai, loại vải này có thể sẽ được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực quảng cáo.