Thực hư chuyện nồi cơm điện có thể tách đường trong gạo

  •  
  • 1.866

Với giá đến vài triệu đồng, những chiếc nồi cơm điện tách đường liệu có mang lại tác dụng tốt cho những bệnh nhân bị tiểu đường?

Thời gian vừa qua, có rất nhiều trang quảng cáo giới thiệu về một loại nồi cơm điện có công dụng đặc biệt, đó là có thể tách được 20 – 30% lượng đường trong cơm ăn hàng ngày mà vẫn giữ được phần lớn các chất dinh dưỡng như: Protein, lipit, khoáng chất và các vitamin ở gạo.

Nhờ tác dụng "thần kỳ" này, người bị bệnh tiểu đường có thể ăn được nhiều cơm hơn, giảm bớt được lượng đường huyết trong máu, kiểm soát tốt các tình huống khẩn cấp như: sốc, hạ đường huyết… Giá của mỗi chiếc nồi cơm tách đường như trên không hề rẻ, dao động từ 3-4 triệu đồng.

Vậy, thực hư câu chuyện trên như thế nào? Liệu công dụng của những chiếc nồi cơm điện có đúng như quảng cáo?

Để làm rõ vấn đề này, PV đã có buổi trao đổi với PGS. TS Phạm Duy Thịnh - Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

 PGS. TS Phạm Duy Thịnh - Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
 PGS. TS Phạm Duy Thịnh - Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Theo PGS Thịnh, thực chất đúng là có chuyện nồi cơm tách được đường như nhiều lời giới thiệu. Nguyên lý hoạt động của chiếc nồi cơm này cũng khác hơn so với những ngồi cơm thông thường.

Cụ thể, để nấu nồi cơm tách đường, người nội trợ sẽ phải cho nước vào gạo nhiều hơn bình thường. Quá trình nấu, nhờ nguyên lý gạn nước mà lượng đường (lẫn trong nước gạo) sẽ được tách riêng ra khỏi cơm để chảy vào một ngăn chứa.

Tuy nhiên, theo PGS Thịnh, việc gạn nước để tách đường trong tinh bột cơm gạo tưởng rằng tốt nhưng thực chất lại không quá “thần kỳ” như nhiều người vẫn nghĩ.

Trong cơm, hàm lượng đường rất ít, không đáng bao nhiêu. Ngoài ra, cơm gạo phải vào cơ thể mới chuyển hóa thành đường được, người ta gọi đây là hiện tượng tiêu hóa chậm. Tức là nếu người bị tiểu đường ăn nhiều sẽ có hại do tăng lượng đường huyết trong máu.

Nhưng nồi cơm tách đường sẽ gạn đi một lượng nước cơm trong quá trình nấu, dù một số các chất dinh dưỡng vẫn còn lại nhưng cũng làm giảm lượng các chất tốt khác trong cơ thể, đặt biệt là vitamin B, rất cần thiết cho sức khỏe con người. Nên người ăn cơm từ gạo bị gạn, tách sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt năng lượng”, PGS. Thịnh nói.

Cũng theo các chuyên gia, cơm chín hoặc bánh mỳ chứa 50% gluxit phức hợp dưới dạng tinh bột amidon. Khi vào đường tiêu hóa sẽ được các men tiêu hóa như amylase... thủy phân thành đường đơn glucose để được hấp thụ thấm vào máu tĩnh mạch cửa, rồi dự trữ ở gan dưới dạng glycogen, để dùng dần giữa các bữa ăn trong ngày, lấy năng lượng cho tế bào cơ và não hoạt động.

Do vậy, nếu tách và loại đường trong tinh bột thì có nguy cơ không có năng lượng cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể.

Theo PGS. TS Phạm Duy Thịnh, nhiều bệnh nhân tiểu đường thường có tâm lý tránh xa cơm gạo, bởi trong đó có tinh bột, ăn nhiều sẽ tăng lượng đường huyết, khiến bệnh càng trở nên trầm trọng. Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng.

Cụ thể, người bị tiểu đường nếu muốn kiểm soát bệnh và lượng đường trong máu không nên bỏ hoàn toàn cơm mà vẫn ăn bình thường, duy chỉ cần chú ý giảm bớt số lượng và liều lượng đi.

Để cân bằng và đa dạng hơn trong ăn uống, ngoài cơm gạo, người bị tiểu đường cũng có rất nhiều sự lựa chọn khác như: bánh giò, bún hay bánh đúc… Bởi những thực phẩm này qua quá trình gạn lọc cũng đã làm mất lượng đường trong gạo, người bị tiểu đường ăn sẽ không phải lo lắng quá nhiều.

 Người bị tiểu đường không nên bỏ hoàn toàn cơm gạo.
 Người bị tiểu đường không nên bỏ hoàn toàn cơm gạo. (Ảnh: Soha).

“Cơm gạo là nguồn cung cấp vitamin B dồi dào, rất tốt cho sức khỏe con người và giàu năng lượng. Bởi vậy, chúng ta không nên bỏ cơm gạo hay tìm cách gạn bỏ đi những chất vốn dĩ rất tốt. Thay vào đó, chỉ nên điều chỉnh lượng cơm, tinh bột sao cho vừa phải, không quá nhiều để vừa giữ được sức khỏe mà lượng đường huyết lại không tăng cao”, ông Thịnh nói.

Một số chuyên gia khác cũng khuyến cáo rằng, việc ăn cơm gạo càng trắng, tức là càng được xay xát kĩ thì lượng đường được hấp thụ sau khi ăn càng cao.

Do vậy, bệnh nhân bị tiểu đường cần lưu ý, khi xay xát gạo chỉ nên xát dối, sao cho lượng cám gạo vẫn còn. Nấu cơm bằng gạo này cùng với chế độ ăn uống nhiều rau xanh, chất xơ và tích cực vận động rèn luyện thể dục thể thao, đi bộ sẽ không lo bị ảnh hưởng bởi bệnh tiểu đường.

Cập nhật: 10/08/2019 Theo VTC News
  • 1.866