Thực hư lời nguyền của bạo chúa Timur

  •  
  • 513

Trên thế giới vẫn tồn tại không ít địa điểm cổ xưa với nhiều bí ẩn khó giải đáp. Những nơi này thường thấm đẫm các truyền thuyết về thế lực thần bí khiến nhiều người không dám đến gần.

Ở vùng Trung Á có lăng mộ của một trong những bạo chúa nổi tiếng hung tàn nhất thế giới, nơi được cho là sở hữu một lời nguyền ghê rợn. Thực hư ra sao?

Bạo chúa yêu nghệ thuật

Vào thế kỷ thứ 14, nhà chinh phục người Thổ - Mông (Turco-Mongol) Timur (Thiếp Mộc Nhi), hay còn được gọi là Tamerlane, nổi tiếng là một trong những kẻ xâm lược tàn ác và khát máu nhất Trung Á. Trong những chiến dịch khốc liệt, ước tính đoàn quân của ông ta đã cướp đi sinh mạng của khoảng 17 triệu người - con số gây sốc so với dân số thế giới vào thời điểm đó.

Timur đã xây dựng nên Đế chế Timurid rộng lớn, trải dài từ Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq, Kuwait và Iran ngày nay, xuyên qua Trung Á bao gồm một phần của Kazakhstan, Afghanistan, Azerbaijan, Gruzia, Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Pakistan, Ấn Độ, thậm chí vươn đến Kashgar ở Trung Quốc.

Tự nhận mình là người thừa kế của Thành Cát Tư Hãn, dù không có họ hàng gì với vị đại hãn lừng lẫy này, Timur được coi là một trong những nhà lãnh đạo quân sự tài ba nhất trong lịch sử, nhà chiến thuật bậc thầy, khó ai sánh bằng.

Là người gieo rắc nỗi sợ hãi khắp châu Á vào thời đó, những câu chuyện về chiến công và cái chết của Timur đã trở thành huyền thoại. Nổi tiếng nhất là kim tự tháp mà ông xây dựng ở Ấn Độ, hình thành từ hộp sọ của 70.000 nạn nhân bị tàn sát dưới tay ông.

Điều này hoàn trái ngược với việc ông được xem là một người bảo trợ về kiến trúc và nghệ thuật. Những tác phẩm này có thể nhìn thấy trong lăng tẩm xây dựng công phu của ông, nơi không chỉ để lại ấn tượng về kiến trúc, mà còn được cho là nơi ẩn chứa lời nguyền đáng sợ.

Lời nguyền ứng nghiệm?

Vua Timur
Timur  - kẻ chinh phục hung tàn.

Gur-e Amir, tiếng Ba Tư có nghĩa là “Lăng mộ của nhà vua”, nằm ở Samarkand, Uzbekistan ngày nay, được xem là một kỳ quan kiến trúc vào thời đó. Khu lăng mộ là nơi chôn thi hài của Timur, người đã chết vì bệnh trên đường chinh phục Trung Quốc vào năm 1405, ở tuổi 68, và các con cháu của ông.

Đây là cụm công trình phức hợp có mái vòm sáng sủa, được trang trí kỳ công với gạch chạm khắc và nhiều đồ khảm khác nhau, được biết như là hình mẫu cho các lăng mộ của các hoàng đế Mughal sau này và những ngôi mộ khác, thậm chí còn ảnh hưởng đến thiết kế của đền Taj Mahal ở Ấn Độ.

Lăng mộ nằm yên bình trong nhiều thế kỷ trước khi bị xâm phạm. Những người bạo gan vào nơi này đã phát hiện một lời nguyền ghê rợn của bạo chúa. Ghi chép đầu tiên về lời nguyền được cho là xuất hiện từ năm 1740, khi vua Nader Shah của Đế chế Afsharid tìm cách đánh cắp quan tài của Timur.

Chuyện kể rằng, trong quá trình khai quật, mộ chí của lăng bất ngờ bị vỡ làm đôi. Điều này ngay từ đầu đã được xem là một điềm rất xấu. Shah được khuyên nên trả lại hài cốt. Ông nghe theo nhưng mọi thứ đã quá muộn, Đế chế Afsharid đã sụp đổ không lâu sau vụ này. Từ đó, người ta đồn, kẻ nào xâm phạm lăng mộ của Timur sẽ nhận lãnh hậu quả thảm khốc.

Trước khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô, vào ngày 19/6/1941, Joseph Stalin đã cử một toán khảo cổ đột nhập vào lăng mộ và khai quật hài cốt của Timur để nghiên cứu. Nhà khoa học và nhân chủng học Liên Xô, Mikhail Mikhaylovich Gerasimov, được giao chỉ đạo công việc này.

Họ tiến vào lăng mộ và khi mở quan tài, đã nhìn thấy những lời cảnh báo được khắc trên một bia đá với nội dung đáng sợ: “Tất cả chúng ta đều là người phàm. Thời điểm sẽ đến và chúng ta sẽ rời đi. Bất kỳ ai làm xâm phạm tro cốt của tổ tiên sẽ chịu sự trừng phạt”; “Khi ta trỗi dậy từ cõi chết, cả thế giới sẽ run sợ” và “Bất cứ ai làm náo động lăng mộ của ta sẽ phóng thích một kẻ xâm lược khủng khiếp hơn ta”.

Những điều này lẽ ra phải được hiểu là sự cảnh báo đáng sợ để ngừng công việc, nhưng nhóm khai quật đã phớt lờ, bỏ ngoài tai những lời cầu xin của các nhà hiền triết tâm linh, thậm chí cả những lời phàn nàn của những người lao động rằng họ đang có những triệu chứng ốm đau bí ẩn.

Cuối cùng, họ cũng mang được hài cốt của Timur đem về Moscow để nghiên cứu. Chỉ vài ngày sau đó, 22/6/1941, quân đội của Adolf Hitler đã bất ngờ tấn công Nga, trong cuộc chiến tranh không tuyên bố, dẫn đến cái chết của khoảng 26 triệu người.

Khi cuộc xâm lược của kẻ thù đang diễn ra ác liệt, Gerasimov được cho là bị ám ảnh về lời nguyền của Timur và đã tìm cách gửi một thông điệp tới cho Stalin. Vào mùa đông năm 1942, ông đã thuyết phục được Stalin, và nhà lãnh đạo đã bố trí một chiếc máy bay đặc biệt để đưa thi thể của Timur trở về lăng mộ, chôn cất lại theo nghi lễ một cách thành kính.

Sau đó, quân đội Đức liên tiếp bại trận và Liên Xô giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại này. Liệu đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên?

Thật khó để biết có bao nhiêu phần trăm sự thật về lời nguyền này và bao nhiêu thuộc truyền thuyết thuần túy. Có phải đây chỉ là những lời đe dọa của kẻ chinh phục nhằm làm cho kẻ thù hoảng sợ không dám xâm phạm phần mộ của ông? Địa điểm này hiện vẫn mở cửa cho khách vào tham quan, nhưng mọi người được cảnh báo không nên chạm vào di vật cổ.

Cập nhật: 29/11/2021 Theo GD&TĐ
  • 513