Thực hư vật thể kỳ lạ giống mớ dây chằng chịt trên sao Hỏa

  •  
  • 1.278

Thứ kỳ lạ được tàu thám hiểm Perseverance bắt gặp trên sao Hỏa liệu có làm dấy lên giả thuyết hành tinh này từng ngập trong nước?

Mới đây, NASA đã chia sẻ một bức ảnh thú vị, được cho là vô tình lọt vào ống kính của tàu thám hiểm Perseverance trong hành trình khám phá bề mặt sao Hỏa. Nó trông giống như một sợi dây bị rối.

Ngay lập tức, một số giả thuyết cho rằng đây chính là "dây câu" bị bỏ lại bởi những người câu cá trên sao Hỏa, rằng chắc chắn hành tinh này từng ngập trong nước và có rất nhiều cá sinh sống.

Vật thể kỳ lạ giống mớ dây chằng chịt trên sao Hỏa
Vật thể kỳ lạ giống mớ dây chằng chịt trên sao Hỏa

Giả thuyết này không hẳn là thiếu cơ sở, vì nơi tàu Perseverance hạ cánh là Hõm chảo Jezero - nơi từng là một hồ nước cách đây hơn 3,5 tỉ năm và các dấu tích vi sinh cổ đại có thể vẫn còn lưu lại ở đây.

Tuy nhiên, một ý kiến khác cho rằng đây chỉ đơn giản là thứ còn sót lại từ chiếc dù đã giúp tàu Perseverance hạ cánh xuống Hành tinh Đỏ.

"Rất có thể, gió trên sao Hỏa đã thổi sợi dây này tới gần vị trí của Perseverance. Khu vực mà tàu hạ cánh về cơ bản là giống như một đống đổ nát", Stuart Atkinson, một nhà thiên văn người Anh chia sẻ.

Trước đó vào ngày 14/6, nhóm nghiên cứu Perseverance cũng từng chia sẻ trên mạng xã hội Twitter một hình ảnh đáng suy ngẫm mà robot thám hiểm vừa chụp lại trên bề mặt sao Hỏa và gửi về Trái đất. Trong hình ảnh, có thể thấy một phần của tấm chăn chống nhiệt, vốn được sử dụng để bảo vệ robot khỏi nhiệt độ khắc nghiệt mà nó phải trải qua khi hạ cánh, bị mắc kẹt trong một hốc đá trên bề mặt sao Hỏa.

Từ nhiều năm nay, rác không gian đã là mối quan tâm hàng đầu, và ngày càng được nhắc đến ở các cơ quan vũ trụ. Theo các chuyên gia, mảnh vỡ và các vật dụng của những sứ mệnh bị bỏ lại trong không gian như những đôi ủng, xẻng hay toàn bộ phương tiện mà các sứ mệnh Apollo để lại trên Mặt Trăng, có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các hành tinh nguyên sơ khác.

Theo dự đoán, trong khoảng hơn nửa thế kỷ sắp tới, khi ngày càng có nhiều sứ mệnh không gian được khởi động, và các thiên thể như sao Hỏa đối mặt nguy cơ trở thành "bãi phế liệu", thì các lỗ hổng của hiệp ước này sẽ ngày càng lộ ra.

Aparna Venkatesan, một giáo sư thiên văn học tại Đại học San Francisco, khẳng định việc tuân theo các biện pháp bảo vệ nhằm chống lại hành động gây ô nhiễm môi trường không gian sẽ đòi hỏi các nhà lập pháp xác định rằng chúng là di sản chung của nền văn minh nhân loại.

Ngày 18/2/2021, tàu Perseverance - được thiết kế theo dạng xe robot tự hành, đã chính thức đặt chân xuống sao Hỏa, sau khi vượt qua chặng đường 472 triệu km trong 7 tháng ngoài không gian.

Các nhà khoa học hi vọng sẽ tìm thấy các hình dạng sinh học trong những mẫu trầm tích cổ đại mà Perseverance được thiết kế để trích từ đá sao Hỏa và gửi về Trái đất để tiếp tục phân tích. NASA đã lên kế hoạch thực hiện 2 sứ mệnh tiếp theo trong thập kỷ tới nhằm đưa các mẫu vật về Trái đất.

Cập nhật: 21/07/2022 Dân Trí
  • 1.278