Thuê bao di động trả trước sẽ được "quản" thế nào?

  •  
  • 98

Mặc dù đã được Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đồng ý về mặt nguyên tắc đề án Quản lý thuê bao di động trả trước, song để có thể sớm hiện thực hoá, áp dụng vào cuộc sống Bộ Bưu chính Viễn thông vẫn còn nhiều việc phải làm.

Trong bài phát biểu tham luận tại Hội nghị triển khai kế hoạch Bộ Bưu chính Viễn (BCVT) thông năm 2007, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông Nguyễn Xuân Trụ đã một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng đề án quản lý thuê bao di động trả trước. Theo ông Trụ, hiện nay, bên cạnh những tiện ích mà dịch vụ điện thoại di động trả trước mang lại, việc chưa quản lý được thông tin của thuê bao di động trả trước trong thời gian qua đã gây ra nhiều khó khăn, bất cập cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) viễn thông và bản thân người sử dụng.

Tình trạng lợi dụng kẽ hở của việc không quản lý thông tin của nhà cung cấp dịch vụ đối với các thuê bao trả trước nhằm che dấu tung tích khi thực hiện các hoạt động gây rối, quảng cáo tuyên truyền các văn hoá phẩm vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, trộm cắp cước viễn thông, khủng bố bằng sử dụng điện thoại di động trả trước ngày càng diễn ra phức tạp khiến toàn xã hội phải quan tâm.

Vì vậy, việc ban hành và tổ chức triển khai, thực hiện Quy định quản lý thuê bao di động trả trước sẽ nhằm vào các mục tiêu như ngăn ngừa, phát hiện các phần tử xấu, các phần tử phản động, thế lực chống phá cách mạng; hạn chế các vi phạm về thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng và qua đó cũng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác tài nguyên viễn thông của chính cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, việc thực hiện đề án này sẽ không thể sớm hoàn thành mà dự kiến sẽ thực hiện trong thời hạn 24 tháng. Quá trình thực hiện cần sự tham gia phối hợp của nhiều Bộ, ngành địa phương như Bộ BCVT, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước và đặc biệt là các DN viễn thông.

Thứ trưởng Bộ BCVT Lê Nam Thắng cho biết thêm, lý do của việc chưa đưa ra được thời điểm cụ thể sẽ chính thức áp dụng quản lý bởi phải có thời gian cho DN chuẩn bị cơ sở vật chất rồi xây dựng quy trình thủ tục. Điều quan trọng nhất là bản thân các DN phải xây dựng cơ sở vật chất, quy trình thủ tục đăng ký vì việc triển khai không phải ở riêng hệ thống của họ mà xuống tận đại lý nên cần thời gian để thực hiện.

Được biết, nhiệm vụ của các DN viễn thông sẽ khá nặng nề. Họ phải tổ chức triển khai ngay việc xây dựng hệ thống quản lý, đăng ký lưu giữ dữ liệu thông tin người sử dụng dịch vụ di động trả trước đảm bảo tính chính xác, bí mật, an toàn thông tin quản lý và phải tương thích khi kết nối với các mạng dữ liệu khác trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Xây dựng, tổ chức thực hiện quy trình đăng ký, sửa đổi thông tin người sử dụng dịch vụ khi phân phối dịch vụ qua hệ thống phân phối/đại lý, quy trình thực hiện việc kích hoạt thuê bao trả trước (cần ưu tiên phương án sử dụng mạng và tin học hoá để quản lý, cập nhật dữ liệu); Tự tổ chức kiểm tra, giám sát các đại lý, kênh phân phối thực hiện việc quản lý, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người sử dụng dịch vụ của mình.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Viettel, đơn vị chủ quản mạng Viettel Mobile bày tỏ quan điểm, vấn đề quản lý thuê bao trả trước chắc chắn ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của DN như thêm chi phí quản lý và làm việc phát triển thuê bao chậm lại. Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận, đây là một việc cần phải được thực hiện.

Thuỷ Nguyên

Theo VnMedia
  • 98