Thuốc trừ sâu gây bệnh rối loạn sự chú ý ở trẻ

  •  
  • 469

Theo một kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nhi khoa của Mỹ, những trẻ nhỏ tiếp xúc nhiều với các loại thuốc trừ sâu được sử dụng cho các loại rau xanh và hoa quả ở Mỹ có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Các nhà khoa học ở Mỹ và Canada đã nghiên cứu các dữ liệu của 1.139 trẻ nhỏ ở độ tuổi từ 8-15 và phát hiện rằng những trẻ nhỏ với dư lượng các loại thuốc trừ sâu cao hơn có nguy cơ mắc chứng rối loạn ADHD cao gấp hai lần so với những đứa trẻ khác.

Hiện nay có khoảng 40 loại thuốc trừ sâu có chứa chất organophosphate đăng ký sử dụng ở Mỹ với Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), và có khoảng 33 triệu kg thuốc trừ sâu được sử dụng trong các khu vực dân cư và nông nghiệp.

Mặc dù việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu ở khu vực dân cư là bình thường, nhưng Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ phát hiện thấy rằng việc các trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh có dư lượng các loại thuốc trừ sâu trong cơ thể là do đường tiếp xúc qua các loại rau quả.

Nghiên cứu đã trích dẫn một báo cáo năm 2008 cho biết hàm lượng các loại thuốc trừ sâu được phát hiện ở nhiều loại rau quả.

Một mẫu sản phẩm được xét nghiệm đã phát hiện thấy 28% các loại quả blueberry (việt quất) đông lạnh, 20% cây cần tây, và 25% dây tây có chứa một loại organophospate. Các loại khác của thuốc trừ sâu được tìm thấy ở 27% các loại đậu xanh, 17% đào và 8% cây bông cải xanh.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC), có gần 4,5 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 5-17 được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ADHD.

Rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em, theo thống kê cứ 100 trẻ thì có từ 3 đến 5 trẻ mắc rối loạn này với một số triệu chứng bắt đầu trước tuổi lên 7.

Đặc điểm chung của ADHD là những hành vi hiếu động quá mức đi kèm sự suy giảm khả năng chú ý. Căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ với mọi người./.

Theo Vietnam+
  • 469