Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày càng tăng tại các dại dương đang đe dọa sự tồn tại của các loài cá voi và cá heo.
|
Hàng trăm cá voi mắc kẹt tại bờ biển Tasmania của Australia hôm 23/11, trong đó 72 con đã chết. Ảnh: AFP. |
Cảnh báo trên được đưa ra trong Hội nghị quốc tế về Bảo tồn các loài động vật hoang dã di cư diễn ra tại Rome trong ba ngày và kết thúc hôm qua. Theo các chuyên gia, động vật biển sử dụng sóng âm để giao tiếp với đồng loại, tìm kiếm thức ăn. Tuy nhiên, âm thanh mà chúng phát ra bị lấn át bởi tiếng động phát ra từ các tàu biển, sóng siêu âm của quân đội và tình trạng thay đổi khí hậu. Do đó, động vật biển bị mất phương hướng, không thể tìm bạn tình và có những hành vi khác thường.
Hội nghị có sự tham gia của đại diện 85 quốc gia nói trên đang xem xét đề xuất buộc các nước giảm ô nhiễm tiếng ồn ở đại dương. Một số giải pháp khác bao gồm sắp xếp lại hải trình trên đại dương, giảm tốc độ của các tàu, cấm việc thử nghiệm và sử dụng sóng siêu âm tại những vùng biển có nhiều động vật sắp tuyệt chủng.
Mark Simmonds, một nhà khoa học thuộc Hiệp hội Bảo tồn cá voi và cá heo, phát biểu:
"Chúng ta nên gọi tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở đại dương là một món thập cẩm. Những tạp âm ngày càng lớn và một lúc nào đó các động vật dưới nước sẽ không thể nghe được nữa". Theo Mark, ngày càng có nhiều cá voi và cá heo mắc cạn vì mất khả năng định hướng bằng âm thanh. Trong một số trường hợp, sóng siêu âm do các tàu hải quân phát ra khiến động vật có vú dưới biển rơi vào tình trạng rối loạn trong hoạt động định hướng. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng sự gia tăng lượng carbon dioxide trong các đại dương đang làm tăng tính axit của chúng, dẫn đến tốc độ truyền của âm thanh trong nước cũng tăng.
Theo một báo cáo của Quỹ quốc tế dành cho hoạt động bảo vệ động vật, khoảng cách mà cá voi xanh có thể giao tiếp với nhau bằng sóng âm đã giảm tới 90% do mức độ ô nhiễm tiếng ồn ngày càng tăng trong 40 năm qua.