Tiếng ồn giao thông làm hỏng đời sống sinh sản của ếch

  •  
  • 1.350

Theo một nghiên cứu mới đây, tiếng ồn giao thông có thể làm hỏng đời sống sinh sản của ếch đô thị bằng cách làm lu mờ tiếng kêu ộp oạp mà ếch đực phát ra để quyến rũ bạn tình.

Một tiếng kêu mạnh mẽ và điệu đà chính là tài sản quý giá nhất của ếch đực để hấp dẫn ếch cái đi tới ao của mình, Kirsten Parris, nhà sinh thái học đến từ đại học Melbourne cho biết.

Nhưng tiếng ồn giao thông có thể khiến số lượng ếch ở Melbourne, thành phố lớn thứ hai nước Úc, giảm đi kể từ năm 2000 khi Parris bắt đầu tiến hành khảo sát ếch ở 100 ao hồ trong khu vực.

“Nếu cùng lúc có nhiều con đực phát ra âm thanh để mời gọi, thì con nào có tiếng kêu hấp dẫn nhất sẽ được con cái ưu tiên lựa chọn,” Parris phát biểu với phóng viên Associated Press. “Nếu bạn là một con ếch đực, bạn phải ý thức rất rõ về thứ tài sản âm thanh mà mình có.”

“Nhìn chung, khi ếch đực dành rất nhiều năng lượng cho tiếng kêu của mình – khi tiếng kêu của nó to hoặc mau nhịp hoặc kéo dài hoặc cùng lúc có tất cả các yếu tố trên – thì ếch cái hiểu rằng nó là một con đực khỏe mạnh, phù hợp và sẽ lựa chọn nó để giao phối,” bà giải thích.

Parris phát hiện ra rằng khoảng cách mà tiếng kêu của ếch đực có thể được ếch cái nghe rõ đã bị giảm đi do tác động của tiếng ồn giao thông.

Một con ếch Growling Grass đang ngồi trên một tảng đá trong vùng đầm lầy gần Melbourne, Australia. Theo nghiên cứu mới đây, tiếng ồn giao thông có thể làm hỏng đời sống sinh sản của ếch đô thị bằng cách làm lu mờ tiếng kêu ộp oạp mà ếch đực phát ra để quyến rũ bạn tình. (Ảnh: AP/ Geoff Heard)

“Điều này khiến ếch khó khăn hơn nhiều trong việc thu hút bạn tình và nó đồng nghĩa với xác suất sinh sản thành công bị giảm đi,” Parris nói.

Những loài ếch có tiếng kêu trầm gặp bất lợi hơn cả vì chúng phải chống chọi với những âm thanh ầm ầm của phương tiện giao thông và các loại máy móc khác, ví dụ như máy điều hòa nhiệt độ, bà nói.

Loài ếch cây nâu phương nam đã thích nghi được với môi trường khắc nghiệt mới này bằng cách tăng thêm cao độ cho tiếng kêu của nó ở những khu vực giao thông gây ầm ĩ kéo dài.

Ở những nơi ồn ào nhất của Melbourne, tiếng kêu thông thường của ếch có thể được đồng loại nghe thấy trong bán kính hơn 19m. Với tiếng kêu có cao độ lớn hơn, ếch sẽ thể được nghe thấy trong vòng 25m.

Loài ếch popplebonk có tiếng kêu vọng xa tới 800m nếu xung quanh không có tạp âm khác. Nhưng khoảng cách này giảm xuống chỉ còn 14m ở các khu vực mật độ giao thông lớn.

Parris đã giới thiệu công trình nghiên cứu của mình tới Đại hội Sinh thái Quốc tế lần thứ 10 diễn ra ở thành phố Bisbane nước Úc.

Ken Thompson, nhà sinh thái đến từ đại học Sheffield, biên tập viên báo Functional Ecology đã mô tả những phát hiện của Parris là “rất đáng hoan nghênh”.

“Ngày càng có nhiều bằng chứng hơn cho thấy tiếng ồn ở môi trường đô thị đang gây ảnh hưởng tới các hoạt động của nhiều loài động vật,” Thompson nói.

Thompson cho biết thêm, một công trình nghiên cứu khác do trường đại học của ông tiến hành cho thấy một vài loài chim ở Anh quốc đã chuyển sang hót vào ban đêm vì môi trường quanh chúng trở nên quá ồn ã suốt cả ngày.

G2V Star (Theo PhysOrg)
  • 1.350