"Cụ rùa" lại lên Tháp Rùa phơi nắng

  •  
  • 1.839

Khoảng 9h sáng hôm nay 5/11/2007, tại Hồ Gươm, khu vực đối diện khách sạn Phú Gia "cụ rùa" lại nổi. Lần này, "cụ" leo hẳn trên trên khu vực Tháp Rùa. Hàng ngàn người dân hiếu kỳ đã đổ ra khu vực xung quanh hồ để được tận mắt chứng kiến "cụ rùa" phơi nắng.

Không chỉ những người dân đổ tới xem "cụ rùa" nổi, nhiều du khách nước ngoài đang đi dạo ở khu vực quanh hồ cũng dừng bước "chiêm ngưỡng"… "cụ". Ai ai cũng tỏ ra vô cùng thích thú.

Đây cũng là dịp các phóng viên, nhiếp ảnh gia cũng tranh thủ ghi lại cho mình để làm tư liệu vì chẳng phải mấy ai cũng gặp được cơ may này. Theo quan sát của phóng viên CAND Online "cụ rùa" nổi lần này có chiều dài khoảng trên 1m và bề rộng khoảng 0,7m.

"Cụ rùa" Hồ Gươm (Ảnh:CAND.com.vn)

Những người dân sống ở khu vực gần hồ tuy đã được xem "cụ rùa" nổi rất nhiều lần nhưng mỗi lần "cụ" nổi lại phải chạy ra xem, hình như đó là thói quen của họ.
Nhiều người nhận định, sau nhiều ngày mưa gió nhiều, hôm nay thời tiết rất đẹp, trời hửng nắng nhưng, se lạnh, rất có thể "cụ" sẽ lên phơi nắng lâu hơn mọi lần.

Do người dân hiếu kỳ đổ đến khu vực ven hồ để xem khá đông, lực lượng Công an quận Hoàn Kiếm đã phải làm việc rất vất vả để duy trì trật tự an toàn giao thông.

Cụ “Rùa” hay cụ “Ba ba”?
Qua hình ảnh chúng ta thấy được về “cụ Rùa Hồ Gươm” thì có lẽ nên xem lại việc gọi “cụ” là “rùa” chưa chắc đã chính xác. Cứ theo hình dạng bên ngoài này, đặc biệt là lớp da trên mai nhẵn nhụi, không có gờ, không có những đường kẻ thì có lẽ “cụ” là một loại ba ba chăng?

Xin cung cấp thêm một số cứ liệu về “cụ Rùa”:

Theo Từ điển trực tuyến Wikipedia, Rùa Hồ Gươm có thể là một loài rùa mới (dựa trên một số nghiên cứu về hình thái học của ông Hà Đình Đức, phó giáo sư Đại học Quốc gia Hà Nội), với danh pháp là Rafetus leloii, tuy nhiên các tài liệu khác lại cho rằng hoặc đó là một loài giải lớn với danh pháp Pelochelys bibronii (Sách Đỏ Việt Nam năm 1992) hay Rafetus swinhoei (www.asianturtlenetwork.org). Cũng theo trang Web này thì hiện nay người ta chỉ biết 5 cá thể còn sống tại thời điểm năm 2007 của R. Swinhoei, trong đó một cá thể sống tại hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) của Việt Nam và 5 cá thể kia tại Trung Quốc (1 tại Vườn thú Thượng Hải, 1 tại Vườn thú Tô Châu và 2 tại Tây Viên tự cũng thuộc Tô Châu). Con thứ sáu tại vườn thú Bắc Kinh đã chết năm 2005. Dù cho có danh pháp nào thì nó đều thuộc họ Ba ba (Trionychidae) trong bộ Rùa (Testudines), lớp Sauropsia (Mặt thằn lằn).

Trong khi chờ đợi các kết quả nghiên cứu phát sinh loài dựa trên bộ gen thì Wikipedia tạm thời chấp nhận danh pháp Rafetus swinhoei.


Video clip "Đi xem cụ rùa phơi nắng". (Phim: CAND.com.vn)

Còn theo Sách đỏ Việt Nam: Rùa Hồ Gươm có sọ cỡ lớn, chiều cao sọ xấp xỉ chiều rộng (tỉ lệ giữa chiều cao/chiều rộng sọ 8-9/10); xương gò má hơi cong, ngăn cách với xương đỉnh bởi xương sau ổ mắt; xương mũi ngắn. Hàm dưới không có gờ ở giữa và chiều rộng của khớp nối nhỏ hơn đường kính ổ mắt. Carl và Babour (1989) mô tả xương gò má tiếp xúc với xương vảy, tuy nhiên khi phân tích các mẫu sọ HN01, IEBR-nQT85, 1 mẫu sọ không số thu tại Thanh Hoá (đang lưu giữ tại Viện Công nghệ Sinh học) thì thấy xương gò má nối với xương vảy qua xương vuông gò má; đặc điểm này cũng được Farkas và Fritz (1998) nhắc đến “xương vuông gò má tham gia tạo nên mấu ròng rọc của xương tai đối với loài R. swinhoe”. Xương gốc bướm nối với xương khẩu cái. Vòi mũi ngắn. Đầu, cổ và mặt trên của chân có màu đen hoặc nâu, phía dưới màu vàng ở các mẫu vật khô. Quan sát ảnh đầu rùa chụp ở Hồ Gươm có nhiều đốm màu vàng trên và hai bên đầu, mặt dưới cằm màu trắng đục hơi vàng. Con đực có đuôi dài và dầy, gốc đuôi sát hậu môn.

Đây chỉ là ý kiến cá nhân, mong các nhà khoa học nêu ý kiến để làm rõ

Trang Dũng

Theo CAND.com.vn
  • 1.839