Theo thông tin từ những “đường dây khỉ” ở Tây Ninh, chúng tôi lần tìm theo dấu vết của “hầu vương” và bất ngờ khi đến ấp Đức Ngãi 2, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, Long An - giữa vùng nông thôn cằn cỗi, chúng tôi bắt gặp có một “Hoa Quả sơn” rộng lớn...
“Xóm khỉ”
Đến ngã ba Đức Ngãi, xã Đức Lập Thượng, khi chúng tôi hỏi tìm nơi mua khỉ, nhiều người tỏ ra bực tức: “Khỏi mua bán gì hết, mấy chú cứ vào nhà tôi mà bắt, bắt được tôi còn cám ơn. Hổng biết mấy ổng từ đâu kéo tới cả đàn phá phách không ai chịu nổi”.
Một chị chủ tiệm tạp hóa than thở: “Từ hồi trại khỉ lập ra đến giờ người ta kêu than dữ lắm, có khi cả đàn kéo vào nhà trong lúc chủ nhà đang ăn cơm, cả bọn tỉnh bơ leo lên cùng ăn ngon lành...”.
Theo sự chỉ dẫn của chị chủ quán, chúng tôi tìm đến “Hoa Quả sơn”. Trước mắt tôi là một trang trại rộng lớn được bao bọc tới hai lớp tường rào lưới B40, bên trong im phăng phắc. Trước cổng rào có gắn tấm biển nhỏ: “DNTN trại khỉ Long Khánh”.
Chúng tôi gọi cửa mãi chẳng thấy ai ra mở. Một thanh niên tên L. đang phơi lúa trước sân nhà cách trại khỉ không xa, nghe tôi hỏi mua khỉ, nói: “Trại đó nuôi nhiều khỉ lớn, nhỏ. Nhưng các anh mua lẻ họ không bán đâu”.
Trong khi chúng tôi đang thực hiện phóng sự này thì cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An đã thực hiện quyết định khởi tố bà Ngô Thị Kim Tuyến, cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú và tiến hành kê biên và niêm phong toàn bộ số khỉ ở trại Long Khánh vì có dấu hiệu “buôn bán động vật quí hiếm, không rõ nguồn gốc”.
Kiểm tra thấy trong trại còn 386 chú khỉ đuôi dài. Theo lời khai ban đầu của người quản lý thì quản lý trại chỉ biết nhập số lượng khỉ nhận về chứ không biết nguồn gốc khỉ và giá cả. Công an đang tiến hành làm rõ đường dây nào đã đưa “hầu vương” đi xuyên quốc gia...
Người dân nơi đây cho biết: Trại khỉ Long Khánh được xây dựng hơn năm nay và bắt đầu nhập khỉ từ tháng 2-2005. Từ ngày có khỉ, đời sống bà con quanh vùng bị xáo trộn vì khỉ xổng chuồng chạy vào nhà dân liên tục.
Anh X. - một nông dân ở gần trại khỉ - nói: “Chuồng trại vậy mà không biết sao khỉ xổng chuồng hoài. Có con vào nhà ở lì cả tháng vẫn chưa ra, nên bà con ở Đức Ngãi đặt luôn tên là xóm khỉ...”.
Sau khi hay tin khỉ xổng chuồng vào quậy trong xóm, người của trại đã tức tốc đến từng nhà dân để xin chuộc khỉ với giá 150.000-200.000 đồng/con. Một chú bé tên V. mà người dân quanh vùng đặt cho biệt danh V. “khỉ” vì có tài bắt khỉ, thật thà cho biết: “Em bắt khỉ để bán vì mấy người ngoài Hậu Nghĩa mua đến 250.000đ/con. Em bán hơn chục con rồi, chỉ giữ lại một con nuôi chơi được sáu tháng. Trong xóm nhiều người bắt được cả chục con mà họ cho trại chuộc lại hết rồi...”.
Bà con sống quanh “Hoa Quả sơn” cho biết trại khỉ tuy mới lập nhưng tuần nào cũng xuất bán cả xe. Anh L. tỏ ra am tường chuyện bên trong trại khỉ: “Họ đưa khỉ từ ở đâu đó về trại rồi xuất bán với danh nghĩa là khỉ nuôi. Nhiều lần tôi thấy họ chở về trong đêm bằng xe máy, khỉ bỏ trong giỏ xách giống như đi đá gà. Không biết khỉ ở đâu chở về nhiều lắm. Lúc đầu tôi nghĩ họ mua nhiều khỉ về bỏ mối cho nhà hàng hay mấy tiệm thuốc đông y để nấu cao”.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua vài chú khỉ về nhậu chơi, anh L. đã nhiệt tình giới thiệu: “Khỏi cần mua khỉ trong trại, để tui chỉ cho mấy anh gặp Th., chuyên gia cung cấp khỉ. Nhà cách đây chừng vài ba cây số thôi. Nó là người hay đi Phnom Penh, Campuchia mua khỉ về bán cho trại này!”.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết Th. là một tay chuyên buôn bò, ngựa đua nhiều năm nay. Từ khi trại Long Khánh mở ra, Th. lại chuyển sang đi buôn khỉ biên giới. Th. thường “đi hàng” vào lúc nửa đêm.
Theo người dân sống quanh trại, mỗi lần đoàn xe chở “hầu vương” của Th. về trong đêm là chó sủa vang trời, gây huyên náo cả vùng quê. Có tuần đêm nào Th. cũng chở khỉ về. Mỗi khi có khỉ về trại là chừng vài hôm sau nửa đêm lại có xe tải nhỏ - người dân nơi gọi là “xe trắng bít bùng” - chở đi cả đàn xuất trại.
Bà con còn cho biết đã có nhiều người cảnh giác báo cho cơ quan chức năng biết sự tình nghi về một đường dây buôn lậu động vật hoang dã, nhưng một vị có trách nhiệm tại địa phương tuyên bố rằng: “Khỉ người ta nuôi đẻ được quyền bán, có giấy phép đàng hoàng, nói bậy coi chừng!”.
Theo T.S., một tay trùm buôn khỉ ở biên giới, khỉ được vận chuyển từ Campuchia vào Việt Nam chủ yếu ở địa bàn Katum thuộc huyện Tân Châu và Xa Mát thuộc huyện Tân Biên, Tây Ninh.
Ở đây người ta chỉ nhận đóng hàng cho những “đại gia” đặt mua từ thành phố Hồ Chí Minh, Long An và cả Hà Nội, họ chỉ đặt hàng qua điện thoại và trên biên giới đặt hàng qua Campuchia.
Thậm chí những mối nơi đây chưa hề biết mặt những “đại gia” mà chỉ tiếp xúc qua điện thoại, nhưng thanh toán rất sòng phẳng cho dù mỗi phi vụ có thể lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn đôla Mỹ.
Công nghệ “làm giấy khai sinh” cho khỉ!
Chúng tôi được biết trại khỉ Long Khánh do bà Ngô Thị Kim Tuyến, ngụ tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh đứng tên làm giám đốc. Trại khỉ được cấp giấy phép kinh doanh khỉ nuôi ban đầu với số lượng khoảng 300 con khỉ đuôi dài làm giống. Quanh vùng giáp ranh Đức Hòa, Củ Chi còn có mấy trại như vậy, có trại chuyên về khỉ, có trại kèm cả trăn, động vật hoang dã khác.
Hôm chúng tôi vào trại với danh nghĩa “dân bợm” đi mua khỉ về nhậu, người quản lý thản nhiên chào hàng 1 triệu đồng/con, và nói thẳng: "Khỉ này không giấy tờ nên mới có giá đó. Còn khỉ đã có khai sinh rồi dễ gì chú mày rớ vô được”.
Một “tay trong” từng làm việc trong trang trại Long Khánh cho biết: “Họ lùng mua khỉ “có khai sinh” như khỉ ở Nha Trang với giá khoảng 90 đôla Mỹ/con mang về hợp thức hóa trang trại. Sau đó mua khỉ từ biên giới về nhập vào đàn cho hợp thức hóa giấy khai sinh và mang bán công khai hoặc xuất khẩu.
Một con khỉ đã có giấy khai sinh bán được cả trăm đôla Mỹ chứ chơi sao. Mấy hôm rày khỉ khan hiếm, có một doanh nghiệp Đài Loan kêu giá lên tới 130 đôla Mỹ. Trước đây trại thường xuất khỉ cho một doanh nghiệp ở Đồng Nai nhiều đợt dưới những tờ khai sinh tại trại Long Khánh, nhưng thực chất là khỉ mua về từ biên giới!”.