Tìm ra thuốc chữa bệnh thích ăn cắp

  •  
  • 637

Các nhà khoa học Mỹ tuyên bố một loại thuốc thường được dùng để trị chứng nghiện rượu và ma túy có khả năng kiềm chế ham muốn ăn cắp của con người.

“Đó là naltrexone. Nó có thể triệt tiêu ham muốn ăn cắp”, tiến sĩ Jon Grant của Đại học Minnesota (Mỹ), nói.

Grant và cộng sự đã tiến hành thử nghiệm tác dụng của naltrexone đối với 25 người có thói quen ăn cắp ít nhất một lần mỗi tuần. Trong số này có nhiều người kiếm được nhiều tiền nhưng vẫn thích chôm chỉa những món đồ vặt vãnh khi vào cửa hàng, siêu thị. Họ bất mãn với bản thân nhưng không thể từ bỏ thú vui ăn cắp. Một số tình nguyện viên dùng naltrexone, số còn lại dùng giả dược.

Sau 8 tuần những người dùng naltrexone thừa nhận họ cảm thấy ham muốn ăn cắp giảm đáng kể, còn nhóm uống giả dược không cảm thấy bất kỳ thay đổi nào. Trong vài tháng tiếp theo số lần ăn trộm của họ giảm hẳn so với khoảng thời gian trước khi tham gia thử nghiệm và so với nhóm dùng giả dược.

Theo nhóm nghiên cứu, naltrexone có khả năng ngăn chặn các tương tác thần kinh trong não. Các tương tác này tạo ra cảm giác thỏa mãn, hưng phấn. Khi không có cảm giác thỏa mãn, chúng ta hiếm khi có hứng thú ăn cắp, trừ khi rơi vào tình thế khốn quẫn.

Naltrexone được bán trên thị trường với tên nhãn hiệu là Revia và Depade. Nó có khả năng chữa chứng nghiện rượu và nghiện ma túy. 

Viên thuốc naltrexone. Ảnh: peacehealth.org.


Khái niệm "xung động ăn cắp" (kleptomanie) được biết đến từ thế kỷ XIX nhưng người ta vẫn chưa biết nhiều về nó và mới được Hiệp hội tâm thần Mỹ xếp vào danh sách các rối loạn kiểm soát.

Các chuyên gia tâm lý ước tính 5% trong số các tay trộm là những người mắc chứng "xung động ăn cắp", một rối loạn thường gây ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình, xã hội, nghề nghiệp của người bệnh và liên quan đến pháp luật. Người mắc bệnh này thực hiện hành vi ăn cắp để giải trí chứ thực sự không cần tới đồ vật.

Theo VnExpress (Telegraph)
  • 637