Nhà khoa học nghiệp dư phát hiện hóa thạch của một loài động vật chân khớp hiếm gặp tại vùng hoang vu thuộc miền trung Australia.
Thợ săn hóa thạch nghiệp dư Patrick Nelson cùng em trai tìm thấy hóa thạch động vật chân khớp từ kỷ Ordovic trong lúc thám hiểm bồn địa Amadeus, miền trung Australia, Daily Star hôm 24/6 đưa tin. Trước đó, ông từng tìm được 12 hóa thạch nhưng kích thước nhỏ hơn.
Hóa thạch động vật chân khớp 460 triệu năm tuổi. (Ảnh: Daily Star).
Nelson chụp ảnh hóa thạch rồi gửi cho vài người bạn cũng quan tâm đến cổ sinh vật. Ông quyết định tặng nó cho Bảo tàng và Phòng trưng bày nghệ thuật Lãnh thổ phía Bắc (MAGNT). Theo tiến sĩ Adam Yates, quản lý tại bảo tàng, phát hiện này đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên hóa thạch động vật chân khớp không thuộc lớp bọ ba thùy được tìm thấy ở vùng hoang vu thuộc miền trung Australia.
"Phát hiện này rất tuyệt vời đối với chúng tôi. Vì không có nhiều nhân viên nên chúng tôi trông cậy vào các nhà khoa học nghiệp dư để cùng tạo nên bức tranh Australia thời cổ đại. Chưa có hóa thạch nào giống như vậy được tìm thấy tại miền trung Australia. Chúng tôi rất háo hức phân tích mẫu vật hiếm có này", Yates nói. Bảo tàng sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm và có thể đem trưng bày hóa thạch để mọi người cùng quan sát, ông cho biết.
Động vật chân khớp thuộc nhóm không xương sống, chiếm khoảng 75% động vật trên Trái Đất. Chúng bao gồm gián, cua, bươm bướm, bọ cánh cứng, bọ cạp, tôm, nhện, ve hút máu, mối và nhiều thành viên khác. Động vật chân khớp tồn tại từ cách đây khoảng 530 triệu năm, trong kỷ Cambri. Chúng thích nghi với những thay đổi của môi trường và vẫn tồn tại đến ngày nay với số lượng lớn.