Tìm thấy hóa thạch thằn lằn bay kỳ dị có gần 500 chiếc răng

  •   4,52
  • 200

Bộ xương hoàn chỉnh của một loài thằn lằn bay kì dị sống cách đây 152 triệu năm bất ngờ được các nhà khoa học phát hiện.


Mô phỏng thằn lằn bay Balaenognathus maeuseri. (Ảnh: Đại học Portsmouth).

Theo báo cáo trên tạp chí Palaontologische Zeitschrift, nhóm nghiên cứu từ Anh, Đức và Mexico - dẫn đầu bởi Giáo sư David Martill của Đại học Portsmouth - đặt tên cho loài mới là Balaenognathus maeuseri và xác định nó thuộc về họ thằn lằn bay Ctenochasmatida sống từ kỷ Jura muộn đến kỷ Phấn trắng sớm, RTE hôm 25/1 đưa tin.

"Balaenognathus" có nghĩa là miệng cá voi (dựa trên hành vi ăn lọc), trong khi "maeuseri" dùng để vinh danh đồng tác giả Matthias Mauser, người đã qua đời trong quá trình nghiên cứu.

Hóa thạch của sinh vật tình cờ được phát hiện tại một mỏ đá vôi ở bang Bavaria của Đức trong lúc Martill cùng các cộng sự đang săn lùng xương cá sấu.

 Hóa thạch Balaenognathus maeuseri.
Hóa thạch Balaenognathus maeuseri. (Ảnh: Đại học Portsmouth).

"Bộ xương gần như hoàn chỉnh nằm trong một lớp đá vôi rất mịn, nhờ đó hóa thạch được bảo quản tốt. Nó tiết lộ hàm của loài thằn lằn bay này rất dài và được lót bằng hàng trăm chiếc răng nhỏ (khoảng 480 chiếc) với những khoảng trống xen kẽ giống như răng lược", Martill cho biết.

Nhà nghiên cứu mô tả thêm rằng hàm của Balaenognathus maeuseri cong lên trên giống như loài chim mỏ cứng Recurvirostra ngày nay, nhưng loe ra ở cuối như một cái thìa. Đáng chú ý hơn nữa là một số chiếc răng có móc ở cuối, điều chưa từng thấy ở bất kỳ loài thằn lằn bay nào trước đây.

Balaenognathus maeuseri có thể đã lội qua các đầm nước nông trong kỷ Jura muộn để hút nước chứa những con tôm nhỏ và động vật giáp xác chân chèo, sau đó dùng răng ép chất lỏng dư thừa ra ngoài, khiến con mồi bị mắc kẹt trong miệng.

Hóa thạch Balaenognathus maeuseri hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Bamberg ở Đức.

Cập nhật: 29/01/2023 VNE
  • 4,52
  • 200