Một thứ bấy lâu được biết đến như khoáng chất sao Hỏa bất ngờ được tìm thấy sâu trong lõi băng ở Nam Cực của Trái đất.
Đó chính là jarosite, thứ được tìm thấy trên sao Hỏa vào năm 2004, khi tàu thăm dò của NASA tình cờ đi qua lớp hạt mịn màng của thứ khoáng chất lạ lùng này. Khám phá này từng gây xôn xao bởi phân tích thành phần hóa học cho thấy jarosite cần nước, sắt, sunfat, kali và một điều kiện axit mới hình thành được. Nó là bằng chứng sống động về nước trên hành tinh đỏ.
Nam Cực - (Ảnh: ANDREW PEACOCK/SCIENCE).
Nghiên cứu vừa công bố trên Nature Communications cho hay sau này người ta cũng phát hiện một ít jarosite trên Trái đất trong đống chất thải từ hoạt động khai khoáng, tiếp xúc với không khí và mưa. Nhưng đây là lần đầu tiên khoáng chất ngoài hành tinh này xuất hiện ở một nơi hoàn toàn hoang sơ.
Tờ Science trích dẫn lý giải của tiến sĩ Giovanni Baccolo, nhà địa chất từ Đại học Mikan-Biocca và là tác giả chính của nghiên cứu: ở trên sao Hỏa, đá bazan kiềm trong lớp vỏ hành tinh sẽ trung hòa độ ẩm có tính axit, góp phần tạo nên vật liệu đặc biệt này.
Tuy nhiên một cách giải thích khả dĩ khác là jarosite được sinh ra trong các mỏ băng khổng lồ có thể đã bao phủ hành tinh đỏ hàng tỉ năm trước. Khi các tảng băng gia tăng dần kích thước, bụi tích tụ trong băng bị biến đổi thành jarosite trong các túi bùn giữa các tinh thể băng. Và điều đó có thể cũng xảy ra trên Trái đất vào những thời kỳ băng hà, để lại loại khoáng chất tưởng chừng ngoài hành tinh này trong lớp băng sâu.
Phát hiện này đến từ việc khoan vào băng vĩnh cửu Nam Cực đến độ sâu 1620 mét, lấy lên một lõi băng dài để nghiên cứu thành phần địa chất. Theo tiến sĩ Baccolo, phát hiện bất ngờ này sẽ giúp liên kết môi trường Nam Cực với sao Hỏa sơ khai.
Đó có thể là một bằng chứng ngoạn mục cho thấy Trái đất và sao Hỏa đã ra đời như hai anh em. Nhưng các bước tiến hóa hành tinh không may đã khiến thiên thể này bị tuyệt chủng, hoặc mãi mãi không thể sinh ra sự sống phức tạp dù sở hữu các vật liệu và điều kiện tiền sự sống hoàn hảo.