Tính đến tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm

  •  
  • 163

Chiều 26/11, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đồng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành tiếp tục bàn các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm trong tình hình mới.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình từ đầu tháng 10 đến ngày 22/11, dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở 292 hộ gia đình, ở 174 xã, phường thuộc 77 quận, huyện, của 22 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các địa phương đã tiêu huỷ gần 1,3 triệu con gia cầm. Về diễn biến dịch theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở miền Nam dịch tái phát ở Long An nhưng 10 ngày qua không phát sinh thêm ổ dịch mới.

Ở miền Trung, dịch tiếp tục bùng phát ở Thanh Hoá; ở miền Bắc, dịch bùng phát ở một số tỉnh miền núi như Sơn La, Cao Bằng. Một số tỉnh có dịch cũ vẫn để dịch lây lan trên địa bàn như Hải Dương, Hải Phòng và Bắc Ninh.

Hiện nay các địa phương có dịch đã và đang áp dụng các biện pháp mạnh để dập tắt dịch, khoanh vùng dịch để bao vây, tổ chức tiêu huỷ gia cầm, tiêu độc, khử trùng, lập các chốt kiểm soát gia cầm ra khỏi vùng có dịch. Các địa phương chưa có dịch tiếp tục công tác tiêm phòng, tăng cường tiêu độc, khử trùng, kiểm soát gia cầm ra vào địa phương và tuyên truyền cho người dân các công tác phòng chống dịch.

Trước những diễn biến mới của dịch hiện nay, quan điểm của Bộ Y tế là bảo vệ an toàn tính mạng của con người là quan trọng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, diễn biến của dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người ở nước ta vẫn còn rất phức tạp. Cần tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân để hiểu rõ mức độ nguy hiểm và các tác hại khó lường nếu dịch cúm ở người xảy ra. Từ đó cần bình tĩnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả.

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các địa phương cần chủ động giảm đàn gia cầm, đặc biệt ở các thành phố, các khu đô thị, không bán gà con và không cho ấp trứng. Đồng thời, các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp để giết mổ và tiêu huỷ gia cầm nhưng phải kiểm dịch chặt chẽ đi đôi với việc chủ động kiểm soát, vận chuyển, buôn bán gia cầm, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch với mục tiêu cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng của người dân.

Phó thủ tướng cho rằng cần xem xét khả năng tiêu hủy tổng đàn gia cầm cả nước, với trên 200 triệu con. Hiện việc tiêu hủy gia cầm chỉ thực hiện ở nội thành, nội thị, khu đông dân cư, khu công nghiệp. Nếu tiêu hủy tổng đàn gia cầm cả nước thì mất không hơn 450 tỷ đồng dành cho công tác tiêm phòng văcxin cúm. Trước đó, trong nhiều cuộc họp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, lãnh đạo nhiều tỉnh thành đã đặt vấn đề liệu có lãng phí khi vừa tổ chức tiêm phòng văcxin rầm rộ thì nay lại tiến hành tiêu hủy.

Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc sản xuất vaccine, máy thở phục vụ công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người.

Vệ sinh phòng dịch tốt là có thể dập tắt dịch

Từ nhiều tháng nay cả nước sôi sục trước nguy cơ đe doạ từ dịch cúm gia cầm (H5N1), làm tổn thất to lớn về vật chất và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cộng đồng. Các nhà chuyên môn cũng cho rằng: mối đe doạ bùng phát dịch bệnh của chủng virus type A H5N1 tại nước ta là có thật, nhưng dưới góc nhìn khoa học thì loại trừ nó không phải là quá khó, nếu chúng ta có những hiểu biết về chủng viruts này và đồng lòng phòng ngừa một cách triệt để.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vang, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định lại: virus cúm type A H5N1 bị tiêu diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 700C, hoặc trong môi trường kiềm. Chính vì thế, chỉ cần các biện pháp cách li triệt để và vệ sinh, diệt khuẩn thông thường đã bảo vệ an toàn đàn gia cầm hàng chục vạn con ở tất cả các trung tâm nghiên cứu phát triển chăn nuôi thuộc Viện, đóng tại nhiều vùng, miền (kể cả những vùng có dịch) từ năm 2003 đến nay.

Một chuyên gia đầu ngành đã từng làm việc gần 50 năm trong lĩnh vực thú y cho rằng: việc để xảy ra một số ổ dịch bệnh hôm nay chính là hậu quả của việc coi nhẹ công tác thú y ở nước ta từ trước tới nay. Nhưng nếu lúc này chúng ta bình tĩnh, tăng cường tiềm lực cho thú y, đặc biệt là vận động, hướng dẫn cho nông dân biết xử lý tốt vấn đề vệ sinh phòng dịch thì chỉ trong một thời gian ngắn hoàn toàn có thể dập tắt được dịch cúm, bảo vệ được đàn gia cầm.

Cụ thể là: phải tổ chức thực hiện phòng chống dịch bệnh một cách nghiêm túc từ cơ sở, nhất là các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch. Tất cả các thôn, ấp, bản cùng tổ chức ký cam kết thực hiện "5 không" (không thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm bị bệnh, không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi).

Đặc biệt phải tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng ở các cơ sở chăn nuôi, nơi buôn bán gia cầm sống, cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm, đường ra vào khu vực chăn nuôi. Hạn chế tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, ngay trước mắt, buộc các hộ này phải chăn nuôi nhốt (có thể trong phạm vi vườn nhà, nhưng phải được bảo vệ bằng hàng rào kín, không để tiếp xúc với chim hoặc gia cầm bị bệnh từ nơi khác đến). Những đàn gia cầm đã nhiễm cúm H5N1 kiên quyết phải tiêu huỷ.

Bà Rịa -Vũng Tàu, nhiều hộ dân đăng ký nhập gia cầm giống về nuôi

Hiện có một hiện tượng rất lạ là trong khi người chăn nuôi gia cầm ở hầu khắp cả nước đang điêu đứng vì dịch cúm, gia cầm không bán được thì mấy ngày qua hàng chục hộ chăn nuôi gia cầm ở các huyện Châu Đức, Tân Thành, Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu lại rầm rộ kéo đến Chi cục xin đăng ký nhập gia cầm giống về nuôi để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Những người xin nuôi gia cầm đa phần là những người đã trải qua dịch cúm. Có hộ dân ở huyện Châu Đức (nơi nuôi thủy cầm lớn nhất nhì tỉnh) dù đang có tới 4.000 con gia cầm không bán được nhưng vẫn lên làm đơn xin mua giống nuôi thêm để "chơi canh bạc" may rủi vào Tết vì họ cho rằng thị trường lúc đó có thể sẽ “phá băng” và biết đâu lại trúng đậm vì chẳng còn ai dám nuôi! Chi cục Thú y thống kê đến ngày 24/11, tổng số gia cầm dân đăng ký khoảng 100.000 con, trong đó có 50.000 con của các trại nuôi gia công cho Công ty CP.

Ông Ký Hữu Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cuộc họp mới đây cũng bày tỏ quan điểm không nên phát triển đàn gia cầm trong thời điểm này, tốt nhất nên tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh và tìm hướng tiêu thụ đàn gia cầm đã đến thời hạn xuất chuồng. Tăng đàn vào thời điểm này sẽ làm tăng áp lực cho công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời chứa đựng nhiều rủi ro cho người chăn nuôi.

Trong khi đó tại trại gà từ 5.000 đến 17.000 con của các hộ chăn nuôi lớn ở xã Tân Hòa, Tóc Tiên (huyện Tân Thành) vẫn tiếp tục chết và ngày càng gầy xơ xác vì thiếu ăn, còn chủ trại thì phờ phạc, ngóng mỏi mắt người đến mua mà chẳng thấy bóng dáng đâu.

Huế thành lập "đội đặc nhiệm" diệt bồ câu

Tại thành phố Huế, chỉ hai ngày sau khi thành lập (22/11 đến 24/11), "đội đặc nhiệm" diệt bồ câu của thành phố đã bắt và bắn hạ được hơn 200 con bay lảng vảng trên trời, đậu trong các chùa... Chi cục Thú y Huế cho biết, cả thành phố có khoảng 1.300 con chim bồ câu bay đậu khắp nơi. Đội đặc nhiệm diệt bồ câu hoang gồm các chiến sĩ Công an, kết hợp với các lực lượng y tế, thú y để tiêu hủy, xử lý môi trường sau khi bắn hạ được bồ câu.

Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có Công điện yêu cầu Uỷ ban Nhân dân các huyện và thành phố Huế khẩn trương triển khai kịp thời các biện pháp cấm nuôi gia cầm trong nội thành nội thị, xử lý đàn gia cầm đang chăn nuôi tại các khu vực bị cấm nuôi. Thành phố cũng đang hoàn thành sớm các thủ tục và điều kiện để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.

Nhiều người tình nguyện thử vaccine H5N1 cho người

Ngay sau khi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine H5N1 cho người, đã có rất nhiều người đăng ký trên một trang báo điện tử xin làm tình nguyện viên tiêm thử vaccine với mong muốn cùng các nhà khoa học Việt Nam sớm hoàn thành việc nghiên cứu và sản xuất loại vaccine phòng chống dịch cúm gia cầm. Những người này đến từ rất nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhiều người là sinh viên, chưa lập gia đình. Tất cả họ đều tin tưởng vào năng lực của các nhà khoa học Việt Nam.

Trung Quốc giúp Việt Nam phòng, chống cúm gia cầm

Trong khuôn khổ hợp tác phòng, chống dịch cúm gia cầm giữa hai nước, Chính phủ Trung Quốc đã cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ không hoàn lại 1,5 triệu nhân dân tệ dùng để hỗ trợ chi phí vận tải cho các doanh nghiệp Trung Quốc, bảo đảm vận chuyển vaccine cúm gia cầm do phía Việt Nam mua tới thành phố Hồ Chí Minh đúng thời hạn.

Chính phủ Việt Nam đã bày tỏ cảm ơn sự trợ giúp của Chính phủ Trung Quốc.

Theo VOV
  • 163