Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) được WHO ban bố khi có cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.
PHEIC được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa như một "sự kiện bất thường", "tạo thành mối nguy hại đến sức khỏe cho các quốc gia thông qua sự lây lan của bệnh tật quốc tế", yêu cầu các "phản ứng phối hợp" từ nhiều quốc gia.
Trên lý thuyết, PHEIC không mang tính pháp lý, WHO vẫn có quyền đưa ra khuyến cáo đối với các hoạt động có thể làm lây lan bệnh dịch nhanh chóng như hạn chế du lịch, giao thương.
Theo Giáo sư Rebecca Katz, Giám đốc Trung tâm Khoa học và An toàn Sức khỏe Toàn cầu, Đại học Georgetown, tình trạng khẩn cấp tạo ra áp lực đáng kể đối với các quốc gia thành viên bị ràng buộc. Bên cạnh đó, WHO có thể huy động sự hợp tác quốc tế, từ nguồn nhân lực cho tới tài chính.
Bằng việc nhấn mạnh mức độ nguy hại của bệnh dịch, tình trạng khẩn cấp giúp thuyết phục công dân các nước tuân thủ khuyến cáo về sức khỏe và vệ sinh. Trong đợt dịch viêm phổi lần này, WHO đã đưa ra các biện pháp ngăn ngừa nhiễm bệnh bao gồm rửa tay bằng xà phòng và nước diệt khuẩn; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng cúm; ăn chín uống sôi và không lại gần động vật hoang dã.
Ủy ban Khẩn cấp của WHO cũng có quyền đề xuất tư vấn du lịch cho các thành phố, khu vực và quốc gia. Quyền này từng được áp dụng trong đợt dịch SARS năm 2003.
PHEIC cũng có ý nghĩa đối với các hãng hàng không, những đơn vị vận chuyển hành khách ra vào lãnh thổ Trung Quốc. Trong một số trường hợp, chỉ đến khi tuyên bố của WHO được phát đi, các hãng hàng không mới miễn cưỡng hủy bỏ chuyển bay bởi chúng góp phần lớn vào lợi nhuận của toàn công ty.
WHO có thể xem xét các biện pháp y tế công cộng được các nước áp dụng đối với du khách của mình. Nếu một quốc gia đặt lệnh hạn chế đi lại hoặc thông thương vượt quá khuyến nghị (chẳng hạn từ chối nhập cảnh), WHO có quyền yêu cầu chính phủ đưa ra bằng chứng khoa học liên quan.
Từ trước tới nay, WHO đã 5 lần ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
PHEIC lần đầu được ban bố vào đợt dịch Cúm lợn H1N1 vào năm 2009. Hiện, đại dịch vẫn trong giai đoạn ba.
Năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới công nhận dịch Ebola ở châu Phi và sự trỗi dậy của bệnh bại liệt là tình trạng khẩn cấp.
Tháng 2/2016, WHO tuyên bố PHEIC đối với bệnh Zika ở Mỹ.
Bệnh viêm phổi lạ từ virus corona chủng nCoV trở thành tình trạng khẩn cấp thứ 6 trong lịch sử y tế thế giới. Ngày 30/1, trong cuộc họp tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ, WHO tuyên bố dịch viêm phổi từ virus corona chủng nCoV là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe công cộng, hay còn gọi là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC).
Số ca người chết do bệnh viêm phổi liên quan đến virus corna chủng nCoV đã đạt mức cao kỷ lục, lên tới 213 ca vào ngày 31/1.
Trong số 42 trường hợp tử vong mới được báo cáo, 30 người sinh sống tại ổ dịch Vũ Hán. Cho đến nay, không có trường hợp tử vong bên ngoài Trung Quốc. Nước này cũng ghi nhận 9.356 ca bệnh mới tại tất cả 31 tỉnh thành, nâng tổng số bệnh nhân dương tính với nCoV trên toàn cầu lên mức 9.480, vượt xa đợt đại dịch SARS năm 2002-2003.
Hơn 32.000 người đang được cách ly theo dõi, hơn 200 bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch.