"Tòa nhà" chọc trời tự phân hủy giúp phục hồi rừng

  •  
  • 420

Kiến trúc sư Italy nêu ý tưởng xây một cấu trúc lớn từ đất, hạt giống và chất dinh dưỡng đặt giữa khu rừng bị lửa tàn phá.

Kiến trúc sư Italy Alberto Roncelli đưa ra ý tưởng về "tòa nhà chọc trời" Regenera tự phân hủy, giúp phân tán dưỡng chất và hạt giống một cách tự nhiên tại những khu rừng bị lửa tàn phá, Mail hôm 28/6 đưa tin. Regenera không phải một tòa nhà thực sự mà được gọi như vậy vì cấu trúc này có kích thước lớn.

Thiết kế của Regenera - cấu trúc làm từ đất, hạt giống và chất dinh dưỡng.
Thiết kế của Regenera - cấu trúc làm từ đất, hạt giống và chất dinh dưỡng. (Ảnh: Alberto Roncelli).

Regenera xây từ đất, hạt giống và chất dinh dưỡng. Nó sẽ được đặt ở trung tâm của một hệ sinh thái từng trải qua cháy rừng. Trong giai đoạn đầu, các nhà khoa học sẽ theo dõi sự phục hồi của hệ sinh thái từ một phòng thí nghiệm trên mặt đất. Cuối cùng, khi Regenera dần phân hủy do tác động của gió và trở thành đống đổ nát, các nhà nghiên cứu sẽ để nó lại làm nơi trú ẩn cho chim và động vật nhỏ.

Roncelli cho biết, để thiết kế của mình thực sự hiệu quả, ông sẽ cần hợp tác với các nhà hóa học, sinh vật học, nhà khí tượng và nông dân để xác định số lượng và tính đa dạng của các dưỡng chất, thời gian xói mòn và cách phản ứng với gió của mỗi "tòa nhà". Ông miêu tả Regenera là "bản tuyên ngôn" về một phương pháp mới giúp liên kết kiến trúc với thiên nhiên, các công trình với hệ sinh thái, thời gian với sự xói mòn, các tòa nhà chọc trời với rừng cây.

Mùa hè năm ngoái, hơn hai 20 vụ cháy rừng lớn hoành hành ở California, Mỹ. Trong đó, vụ cháy August Complex bắt đầu từ ngày 17/8/2020 được coi là vụ cháy lớn nhất lịch sử bang này. Đến ngày 10/ 9/2020, hơn 190.600 ha đất xung quanh hạt Tehama đã bị tàn phá.

Tại Australia, mùa cháy rừng năm 2019 - 2020 nghiêm trọng đến mức được gọi là "Mùa hè đen". Các đám cháy đạt đỉnh điểm vào tháng 12/2019 và tháng 1/2020. Đến tháng 3, khoảng 18,6 triệu ha rừng tại New South Wales, Victoria và Lãnh thổ Thủ đô Úc, bị ảnh hưởng, giết chết ít nhất 36 người và hàng trăm triệu động vật bò sát, thú có túi và các sinh vật khác. NASA ước tính cháy rừng ở Australia thải ra khoảng 337 triệu tấn CO2.

Cháy rừng trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây do hạn hán và nhiệt độ tăng - hậu quả của biến đổi khí hậu. Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất là cháy rừng lan nhanh khiến các nhà chức trách có ít thời gian để cảnh báo và sơ tán người dân.

"Các đám cháy tự nhiên có thể mang lại lợi ích cho thực vật bản địa, động vật và các hệ sinh thái vốn phát triển nhờ cháy rừng. Nhưng vài chục năm gần đây, chúng ta đang đối mặt với những thảm họa cháy rừng ngày càng lớn do con người gây ra. Trong trường hợp cháy rừng lớn và nghiêm trọng, hệ sinh thái có thể bị phá hủy hoàn toàn, một số thậm chí không có khả năng phục hồi", Roncelli cho biết.

Cập nhật: 30/06/2021 Theo VnExpress
  • 420