Tôm gặm xác tàu dưới đáy biển

  •   4,52
  • 4.288

Do một loài tôm sống ở nơi hầu như không có thức ăn nên tạo hóa ban cho chúng những enzyme có khả năng tiêu hóa gỗ để chúng ăn các xác tàu đắm.

Loài tôm Hirondellea gigas được phát hiện trong rãnh Mariana, nơi sâu nhất trái đất và nằm ở phía tây Thái Bình Dương, vào năm 2009. Chúng sống theo đàn ở độ sâu từ 10.000 m trở lên. Ở độ sâu đó, mật độ thức ăn rất thấp. Vì thế các nhà sinh học không biết chúng lấy chất dinh dưỡng từ đâu, National Geographic đưa tin.

Một con tôm Hirondellea gigas.
Một con tôm Hirondellea gigas. (Ảnh: National Geographic)

Hideki Kobayashi, một nhà sinh học hải dương của Cục Khoa học và Công nghệ Hải dương Nhật Bản, cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu những con tôm H. gigas. Họ phát hiện những enzyme có khả năng tiêu hóa gỗ trong cơ thể chúng. Nhờ những enzyme này mà tôm có thể ăn những cây và mảnh gỗ chìm xuống đáy đại dương.

"Nguồn thức ăn chủ yếu của chúng là gỗ của các tàu chìm", Kobayashi khẳng định.

Những enzyme tương tự tồn tại trong hệ tiêu hóa của mối và những loài động vật ăn gỗ. Nhưng khác với nhiều loài động vật biển ăn gỗ, dường như H. gigas không nuôi nấm hay vi khuẩn để hỗ trợ quá trình tiêu hóa gỗ.

“Chúng tôi nghĩ rằng những con tôm đó tự tạo ra enzyme trong dạ dày của chúng”, Kobayashi nhận định.

Alan Jamieson, một nhà sinh học hải dương của Đại học Aberdeen tại Scotland, cho rằng tôm H. gigas có khả năng nhịn đói trong thời gian dài để chờ thân cây và tàu đắm chìm xuống đáy.

“Khi đại tiệc tới, chúng sẽ tận dụng cơ hội và ăn hết tốc lực”, Jamieson nói.

Theo Đất Việt, Nationalgeographic
  • 4,52
  • 4.288