Tony Buzan - Người vẽ bản đồ tư duy

  •  
  • 3.252

Sáng 4/4, sau hai ngày giảng dạy bản đồ tư duy (mind map) cho 230 doanh nhân TP.HCM, Tony Buzan đã giao lưu với các bạn trẻ Việt Nam tại trường quay S8 của Đài truyền hình Việt Nam.

Mỗi người có một bản đồ tư duy

65 tuổi nhưng từ dáng vẻ nhanh nhẹn đến tính cách sinh động của ông toát ra vẻ trẻ trung. Rất thường gặp từ ông những câu pha trò khiến mọi người “hút” cái nhìn về phía ông. Tại trường quay, ông diễn trò tung hứng ba trái banh thẻ trên đôi tay một cách khéo léo như một trò ông yêu thích.

Một khán giả trẻ mang đôi kính cận trắng, rồi chị Tạ Bích Loan - người dẫn chương trình cũng... thử nhưng những trái banh rơi tọt xuống sàn sân khấu.

Tư duy, theo Tony Buzan, có thể ghi bằng hình ảnh. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Tony Buzan chậm rãi: “Khi chúng ta tung hứng, đừng bối rối vì có tới những ba trái banh, mà hãy nghĩ rằng chỉ có một trái. Chúng ta chọn một trái để chụp, đừng để phân tâm. Sau khi thất bại nhiều lần, mình sẽ chụp không chỉ được một mà được cả ba, lần lượt tung lên, lần lượt hứng”.


Rồi Buzan “xâu” câu chuyện trái banh với công việc: “Suy nghĩ để thực hiện các sự kiện của cuộc sống cũng vậy, đừng nóng vội mà cần có cách hướng mình đến, vẽ ra cho mình một đường đi. Dần dần nhiều đường đi. Nếu thất bại, hãy vui thích với điều đó để tiếp tục lần sau”.

Một cách nhẹ nhàng, Buzan dẫn các bạn trẻ vào thế giới tư duy và trí não.

Những tờ giấy A4 và những chiếc bút lông nhiều màu sắc được bày ra. Mỗi bạn trẻ đến với cuộc giao lưu bắt đầu những phác họa của tư duy riêng mình.

Một bạn nữ tự giới thiệu 22 tuổi diễn tả: “Từ chiếc kẹp giấy này, tôi liên tưởng nó có thể dùng để kẹp vật dụng, là phương tiện chuyên chở, nó có thể là thực phẩm...”. “Những ý tưởng tuyệt vời” - Tony Buzan nhận xét.

Ông nói bản đồ tư duy là vậy, nó giúp người ta liên tưởng để sáng tạo. “Hình vẽ của bạn nữ chưa học bản đồ tư duy này cũng không khác mấy so với bản đồ mà ông đưa ra của một người từng học. Ông suy nghĩ như thế nào?” - chị Bích Loan “cắc cớ” hỏi.

Tony Buzan giải thích: “Trí nhớ đều dựa trên hình ảnh và sự liên kết. Mọi người không phụ thuộc lứa tuổi, giới tính đều có khả năng này nên mỗi người đều có một bản đồ của riêng mình. Bản đồ đó giúp ích cho mỗi người, cho công việc, cuộc sống và xã hội”.

Chọn Viêt Nam là tâm điểm của bản đồ tư duy, Buzan và những bạn trẻ, trên mỗi tờ giấy của riêng mình lại tiếp tục dùng màu sắc để phác thảo những bản đồ tư duy.

Có bạn chọn bản đồ Việt Nam, có bạn chọn lá cờ đỏ sao vàng làm trung tâm, những nhánh cây tỏa ra các phía là những hình ảnh phát triển công nghệ, khoa học, kinh tế, du lịch...

Trên tấm bản đồ “Về Việt Nam” của Buzan có cả hình ảnh của văn hóa, cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam mà ông giải thích: “Nó không thể tách rời với sự phát triển. Các dân tộc này trong tương lai sẽ hòa quyện để tạo nên một sức mạnh”.

Cái cây và triết lý Tony Buzan


Là tác giả và đồng tác giả của 90 đầu sách phát hành ở 125 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, bản đồ tư duy được hiểu là một cách mở ra sức mạnh tư duy, tạo ra những đột phá trong suy nghĩ.

Buzan nghiên cứu chuyên sâu về bộ não, trí nhớ; tìm ra qui luật khi xây dựng bản đồ gồm nhiều nhánh, giúp bộ não ghi chép các sự kiện một cách hệ thống.

Bộ não sinh ra là để ghi nhớ thì mình cần phải tập luyện nó (giống như tay chân nếu không vận động lâu ngày sẽ bị teo đi vậy). Bản đồ tư duy giúp luyện tập trí não.

Thời bé của Tony Buzan là câu chuyện khiến nhiều bạn trẻ thích thú. Ông nhớ lại: Ngày đó đi học, với môn học nào cậu học trò Tony cũng có một thắc mắc “sao phải ghi chép nhiều đến thế?”.

Ông bắt đầu suy nghĩ về trí não và thấy rằng cách đầu tiên chúng ta nhớ là tưởng tượng và liên tưởng. Ông đưa ra ví dụ nếu tưởng tượng về một người bạn thân thì nhắm mắt lại chúng ta không nhìn thấy chữ “người bạn thân” mà là hình ảnh người bạn đó.

Vậy nếu muốn ghi nhớ một trang giấy đầy những ghi chú, trí nhớ chúng ta sẽ nhớ tới hình ảnh, bức tranh, ký hiệu, mã số, màu sắc, sự liên tưởng và liên kết. Cách tốt nhất để liên kết hình ảnh trên một trang giấy là sử dụng các mũi tên, khoảng cách, ký hiệu mà bạn nhớ được. Đó chính là “mind map”.

Tại buổi giao lưu, ông cười tươi khi được hỏi “nếu trở lại tuổi thơ ông thích lớp học như thế nào?”. Ông trả lời: “Nó sẽ là một sở thú với đầy những con thú của thiên nhiên”.

Chị Tạ Bích Loan thích thú: hi vọng trong tương lai, trẻ em Việt Nam không học bằng kiểu ghi chép từ chương mà sách vở sẽ đầy hình ảnh và tranh vẽ.

Ban tổ chức trao cho ông một nắm hạt bí và một cái cây. Buzan... cắn hạt bí ăn ngon lành và chỉ vào cái cây: “Mọc lên từ hạt giống, cây cần ánh sáng, nước, khoáng chất. Trí óc của trẻ em ngay từ nhỏ cũng vậy, nếu được chăm sóc đúng trong tình yêu thương sẽ phát triển tốt và không ngừng sáng tạo”. Đó chính là triết lý bản đồ tư duy của Buzan.

Cùng đưa cao những bản đồ tư duy với hình ảnh Việt Nam là trung tâm, Buzan và những bạn trẻ cười tươi như đã quen nhau từ rất lâu. Ông nhận xét: “Bộ não con người khắp các nước đều giống nhau, chỉ khác nhau về văn hóa. Cái khác của bạn trẻ Việt Nam là tinh thần học hỏi, chịu khó suy nghĩ giải quyết những vấn đề khó. Tôi tin việc ứng dụng bản đồ tư duy sẽ giúp đất nước các bạn phát triển hơn nữa”.

Đặng Tươi

Theo Tuổi Trẻ, Tiền phong
  • 3.252