Bạn có biết hành tinh của chúng ta cũng tồn tại những nơi rất giống một hành tinh khác? Thật vậy, Trái đất sở hữu nhiều địa điểm rất giống sao Hỏa - hành tinh thứ tư trong Hệ Mặt Trời. Mặc dù đều là những nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới, có rất nhiều nhà khoa học đang cư trú ở những địa điểm này để thử nghiệm các thiết bị công nghệ cao trước khi đưa vào không gian.
Sa mạc Atacama được ví như "sao Hỏa thu nhỏ" nằm giữa Trái đất.
Sa mạc Atacama, một trong những nơi khô hạn nhất trên Trái đất, là một cao nguyên dài 600 dặm (966 km) ở Nam Mỹ. Sa mạc này khô cằn đến mức gần như không có sự sống, hệt như một ‘sao Hỏa thu nhỏ' nằm giữa Trái đất.
Vào năm 2004, các nhà khoa học do NASA tài trợ đã dành bốn tuần ở Atacama nghiên cứu tình trạng khan hiếm sự sống ở nơi đây để tìm ra dấu hiệu của sự sống trên sao Hỏa. Sa mạc này đã trở thành nơi các robot hoàn thiện các kỹ năng phát hiện dạng sống, giúp ích trong việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa.
Robot do NASA tài trợ để nghiên cứu ở sa mạc Atacama.
Sa mạc Atacama có khí hậu khắc nghiệt đến vậy là do "rain shadow", một khu vực khô hạn ở phía bờ biển của dãy bờ biển Chile, kết hợp với dòng biển lạnh xung quanh ngăn chặn bất kỳ độ ẩm nào lọt qua. Một số trạm thời tiết trong khu vực chưa bao giờ nhận được mưa.
Tuy nhiên, bất ngờ thay, vào năm 2011, khu vực này đã gây xôn xao toàn cầu khi có tuyết rơi dày tới 80 cm, đây là trận tuyết lớn nhất nơi đây trong vòng hai thập kỷ qua.
Vào năm 2012, một nhóm các nhà khoa học Nga đã khoan để thăm dò hồ Vostok, vốn bị chôn vùi dưới hơn 3 km băng Nam Cực. Sự kiện này đã được những người yêu khoa học trên toàn thế giới chú ý theo dõi với hy vọng rằng cuộc thám hiểm sẽ cung cấp manh mối về cách để tồn tại trên sao Hỏa băng giá, nơi có nhiệt độ trung bình khoảng -80 độ F (- 60 độ C).
Trạm Vostok của Nga.
Toàn cảnh hồ băng Vostok.
Thực tế, băng đã bao phủ vùng nước này từ khoảng 14-34 triệu năm trước, khiến hồ bị ngăn cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng hồ nước ngọt khổng lồ này có thể là nơi sinh sống của những sinh vật ưa lạnh giá dưới lớp băng trong hàng triệu năm. Điều này tương tự như những gì được mong đợi trên sao Hỏa.
Núi lửa Pico de Orizaba, Mexico chụp từ trên cao.
Giả sử con người đã đến được sao Hỏa và quyết định sinh sống ở đây, làm thế nào để biến Hành tinh Đỏ thành nơi có thể sinh sống được? Đó là những gì các nhà nghiên cứu ở Mexico đã tìm hiểu trong nhiều năm.
Tại núi lửa Pico de Orizaba ở Mexico, một trong những ngọn núi cao nhất thế giới, các nhà khoa học đang nghiên cứu cách sự sống lần đầu tiên len lỏi trên những sườn núi lạnh giá này. Những gì họ tìm thấy có thể giúp biến sao Hỏa thành một hành tinh có thể sinh sống được.
Núi lửa Pico de Orizaba, phun trào lần cuối vào năm 1846, cao 18.619 ft (5.675 m) so với mực nước biển, đây vừa là đỉnh núi cao nhất ở Mexico vừa là núi lửa cao nhất ở Bắc Mỹ. Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã thăm dò dọc sờn núi này để tìm kiếm manh mối về cách có thể bắt đầu sự sống trong một khí hậu khắc nghiệt như trên sao Hỏa. Những gì họ tìm thấy ở đây ở rìa cực hạn của sự sống có thể khuyến khích những thế hệ kế tiếp tìm hiểu thêm về cách sinh tồn trên sao Hỏa.
Ảnh vệ tinh chụp đảo Ellesmere và vùng xung quanh.
Đảo Ellesmere là hòn đảo lớn thứ 10 trên Trái đất và là đảo lớn thứ ba của Canada. Ngôi làng lớn nhất của hòn đảo, Grise Fiord, là nơi sinh sống của 141 người. Tại vùng Bắc Cực đóng băng này, các nhà khoa học đã thử nghiệm một mũi khoan có thể khoan vào sao Hỏa để tìm kiếm nước.
Vào năm 2006, các kỹ sư của NASA đã dành hai tuần để khoan một cái hố sâu 1,8 m được cung cấp năng lượng chỉ bằng một bóng đèn (khoảng 60 watt). Công cụ là một giàn khoan dầu lai máy khoan gia dụng di động, có thể mang vào không gian. Trong tương lai, một chiếc máy khoan tương tự có thể được các phi hành gia sử dụng để khoan vào các chóp cực của sao Hỏa để tìm kiếm nước và sự sống.
Ở hai bên của miệng hố Haughton.
Đảo Devon ở Canada cũng là một điểm nóng cho nghiên cứu sao Hỏa. Đây là đảo không có người ở lớn nhất thế giới với khí hậu lạnh và khô, giống như sao Hỏa. Tuy nhiên, đặc điểm tự nhiên thu hút nhất của nơi đây chính là một hố va chạm rộng 24 km có tên Haughton.
Với diện mạo đặc biệt giống với những hố va chạm trên sao Hỏa, chiếc hố 23 triệu năm tuổi này là nơi hoàn hảo để chuẩn bị cho các sứ mệnh có người lái lên sao Hỏa. Thực tế, hố Haughton là nơi thử nghiệm các sứ mệnh của NASA từ năm 1997. Gần đây, các nhà khoa học đã thử nghiệm một mũi khoan sâu nguyên mẫu trên sao Hỏa quy mô lớn tại một địa điểm trong chiếc hố đặc biệt này.
Thung lũng Khô McMurdo được xem là môi trường gần nhất với môi trường trên sao Hỏa.
Thung lũng khô McMurdo nằm ở phía tây của Nam Cực. Thung lũng này được đặt tên như vậy vì độ ẩm cực thấp và không có băng tuyết bao phủ. Các vi khuẩn quang hợp chỉ được tìm thấy sống ở bên trong đá. Thung lũng khô McMurdo được xem là môi trường gần nhất với môi trường trên sao Hỏa.
Năm 2009, các nhà khoa học với dự án IceBite của NASA đã thử nghiệm một loạt các cuộc diễn tập xuyên băng ở thung lũng khô McMurdo để xem cái nào sẽ hoạt động tốt nhất trong sứ mệnh tương lai tới cực bắc của sao Hỏa.
Các nhà khoa suy đoán rằng cực bắc của sao Hỏa có thể đã từng hỗ trợ sự sống. Cách đây vài triệu năm, khu vực này từng nhận được nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Điều này có nghĩa là cực bắc của sao Hỏa có thể có nước, và ở đâu có nước, có thể có sự sống.
Tàu đổ bộ Phoenix của NASA đã tìm thấy một mảng đất nhỏ bao phủ một lớp băng tại khu vực cực bắc của sao Hỏa. Bên cạnh đó, thung lũng khô ở Nam Cực cũng là nơi duy nhất trên Trái đất tồn tại cấu trúc tương tự. Vì vậy, ở đây các cuộc thăm dò diễn thử nghiệm ra với hy vọng có thể tìm thấy nước và sự sống trên sao Hỏa trong tương lai.
Tàu thám hiểm Curiosity của NASA đã được thử nghiệm toàn diện tại Thung lũng Chết, California. Các nhà khoa học đã thử nghiệm cách Curiosity sẽ xử lý địa hình khắc nghiệt của sao Hỏa.
Thung lũng Chết lại là nơi có stromatolite hóa thạch tốt nhất ở miền tây Bắc Mỹ.
Các nhà nghiên cứu đã ghé thăm Thung lũng Chết trong nhiều thập kỷ để nghiên cứu các lớp đá cổ của sa mạc và tìm hiểu về lịch sử Trái đất đồng thời chuẩn bị cho bất kỳ rủi ro nào mà robot có thể gặp phải trên sao Hỏa.
Tàu thám hiểm Curiosity là một phần trong sứ mệnh của Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa (MSL) trị giá 2,5 tỷ đô la của NASA, được phóng từ Mũi Canaveral vào ngày 26 tháng 11 năm 2011, lúc 15:02 UTC trên tàu vũ trụ MSL và đáp xuống Aeolis Palus ở miệng núi lửa Gale trên sao Hỏa vào ngày 6 tháng 8 năm 2012. Nhiệm vụ của Curiosity là tìm hiểu xem liệu Miệng núi lửa Gale có dấu hiệu của sự sống hay không.
Thung lũng Chết không phải là một bản sao hoàn hảo của sao Hỏa vì quá nóng. Được biết, thung lũng này giữ kỷ lục về nhiệt độ cao nhất ở Tây bán cầu với 134 độ F (56,7 độ C) trong khi nhiệt độ trên sao Hỏa cao nhất cũng chỉ khoảng 23 độ F (-5 độ C). Tuy nhiên, Thung lũng Chết lại là nơi có stromatolite hóa thạch tốt nhất ở miền tây Bắc Mỹ, khoảng hơn 1 tỷ năm tuổi.
Stromatolite được tạo ra bởi các thảm vi sinh vật có tác dụng giữ trầm tích và phát triển theo từng lớp. Một phát hiện như vậy trên sao Hỏa có thể gợi ý một nơi thích hợp cho sự sống của vi sinh vật.
Thiên nhiên quả là ẩn chứa rất nhiều điều bất ngờ, thật tuyệt vời khi loài người có thể tận mắt ngắm nhìn những cảnh vật chỉ có ở sao Hỏa ngay chính tại hành tinh quê hương của mình!