TP.HCM phát hiện biến thể phụ mới của Omicron

  •  
  • 164

Tại TP.HCM, tính từ đầu tháng 3 đến nay, số ca mắc mới Covid-19 ghi nhận dưới 3 ca/ngày nhưng đã xuất hiện biến thể phụ mới của Omicron.

Thông tin được TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sáng 13/4. Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng nhận định số ca mắc Covid-19 trên địa bàn có xu hướng tăng nhẹ.

Cụ thể, trong tuần từ ngày 6/4 đến ngày 12/4, có 6 bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, ngày 12/4 ghi nhận 3 ca mắc mới và ngày 13/4 là 7 ca. Hiện 12 bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện, không có ca bệnh nặng phải thở máy.

Theo báo cáo của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, kết quả giải trình tự SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân dương tính (giai đoạn 11/1 đến 20/3), cho thấy có 5 mẫu được giải mã thành công.

Trong số này có 2 chủng thuộc biến thể phụ BA.5 (2/5, 40%), một mẫu BA.2.75 (1/5, 20%), một mẫu XBB.1 (1/5, 20%) và một mẫu XBB.1.5 (1/5, 20%).

Như vậy, TP.HCM chưa xuất hiện XBB 1.16, một biến thể có khả năng lây truyền cao với tỷ lệ lây nhiễm cao đang lưu hành tại Ấn Độ và được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nỗ lực theo dõi.

Trao đổi với PV, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định biến thể XBB.1.5 được phát hiện tại TP.HCM qua xét nghiệm từ tháng 3.

Về lý thuyết, cứ một biến thể mới xuất hiện thì số ca bệnh sẽ có xu hướng tăng tạo thành một đợt sóng mới, nhất là ở những nơi miễn dịch cộng đồng giảm sút. Tuy nhiên, cần một khoảng thời gian theo dõi đủ dài để đánh giá xu thế của dịch, số liệu tăng giảm số ca hàng ngày không thể hiện được xu hướng dịch.

Số ca mắc Covid-19 ở TP.HCM

Tuy nhiên, với biến thể XBB.1.5 mới phát hiện ở TP.HCM, WHO cho biết đây hiện là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu (chiếm 47,1% số trường hợp trong tháng 3, so với 39,8% trong tháng 2).

XBB.1.5 đã được phát hiện ở 94 quốc gia. Các dữ liệu phân tích hiện nay trên thế giới cho thấy không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn đối với các biến thể đang lưu hành, cũng không có báo cáo nào về việc gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong ở các khoa ICU do bất kỳ biến thể từ dòng XBB đang lưu hành.

Hiện nay, WHO xếp XBB.1.5 vào nhóm biến thể đáng quan tâm, tiếp tục theo dõi chặt chẽ, đồng thời có 7 biến thể khác thuộc nhóm đang được theo dõi, bao gồm BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBF, XBB, XBB.1.16 và XBB.1.9.1.

"Như vậy, hiện nay chưa xuất hiện biến thể thuộc nhóm biến thể đáng lo ngại hoặc biến thể gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn thành phố", Sở Y tế nhận định.

Ngành y tế thành phố kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện biện pháp bảo vệ sức khỏe để duy trì miễn dịch cộng đồng bằng cách cho người thân trong gia đình và trẻ em (từ 5 tuổi trở lên). Đặc biệt, nhóm có yếu tố nguy cơ cao đi tiêm vaccine phòng Covid-19 nếu chưa tiêm, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng theo quy định.

Hiện tại, TP.HCM vẫn sẵn sàng biện pháp phòng, chống dịch bệnh và điều trị người mắc Covid-19. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) và OUCRU tiếp tục giải mã gene, theo dõi sự xuất hiện của các biến thể SARS-CoV-2 lưu hành.

Tại cuộc họp thông tin tình hình dịch Covid-19 chiều 13/4, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định tình hình số mắc Covid-19 trong thời gian tới có thể gia tăng. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang ở cấp độ dịch 1 - tất cả đều màu xanh.

Ông Lân cho hay trong thời gian tới, chúng ta phải theo dõi sát các số liệu. Bộ đề nghị các tỉnh, thành đẩy mạnh tăng cường rà soát các cấp độ dịch và phải công bố một cách rõ ràng cho người dân biết đến các biện pháp phòng, chống dịch.

Cập nhật: 14/04/2023 Zing
  • 164