Trái đất có "lục địa thứ 8", đang nuốt đại dương

  •  
  • 982

Hiện tượng kiến tạo mảng huyền thoại gây nên những lần biển đổi, khắc nhập – khắc xuất các lục địa và đại dương, đã hiện ra rõ ràng qua một vùng hút chìm trẻ ngay rìa lục địa thứ 8 của Trái đất.

Theo Live Science, "lục địa thứ 8" của Trái đất được các nhà khoa học New Zealand vẽ bản đồ vào năm ngoái vừa mang đến một phát hiện thú vị mới: một vùng hút chìm mới được hình thành ngay ngoài khơi New Zealand.

Mảng Australian "cõng" đại dương đang có xu hướng hạ thấp và chui xuống mảng Thái Bình Dương
Mảng Australian "cõng" đại dương đang có xu hướng hạ thấp và chui xuống mảng Thái Bình Dương (Pacific) "cõng" lục địa thứ 8 ngập nước Zealandia.

Như nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy, vỏ Trái đất không liền mạch mà được cấu thành từ khoảng 15 mảnh lớn nhỏ gọi là "mảng kiến tạo", không ngừng di chuyển, va vào nhau, chui xuống bên dưới nhau và biến đổi. Quá trình kiến tạo mảng là nguyên nhân dẫn đến "dung nhan" địa cầu nhiều lần thay đổi: có khi là 1 siêu lục địa và 1 siêu đại dương, có khi lại phân tách thành nhiều lục địa, nhiều đại dương như ngày nay.

Năm ngoái, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà địa chất học Nick Mortimer từ cơ quan GNS Science đã vẽ bản đồ New Zealand, một lục địa đã bị chìm của Trái đất, là lục địa thứ 8 bên cạnh 7 lục địa đã biết (Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Đại Dương, Nam Cực và cặp đôi dính liền Á – Âu).

Mới đây, một nhóm nghiên cứu khác dẫn đầu bởi nhà địa chất Brandon Shuck từ Đại học Texas ở Austin (Mỹ) xác định rằng Zealandia còn là đại diện của hoạt động kiến tạo mảng sôi động: một mảng kiến tạo cõng đại dương va chạm và đang có xu hướng chui xuống bên dưới mảng cõng lục địa Zealandia. Đó chính là quá trình gọi là "hút chìm", thường dẫn đến sự hợp nhất hay phân tách của đại dương và lục địa.

Sự hình thành vùng hút chìm là bí ẩn bởi vì bản chất các vùng hút chìm là hủy diệt. Khi một mảng vỏ đại dương lặn xuống dưới lớp vỏ lục địa, các tảng đá ở bề mặt sẽ xoắn lại, vỡ ra và biến dạng. Trong khi đó, phiến đại dương chuyển vào lớp phủ, nơi nó bị tan chảy không thể nhận ra. Điều này để lại rất ít lịch sử địa chất để nghiên cứu.

Vùng hút chìm này – gọi là Rãnh Puysegur – đủ trẻ để lịch sử địa chất chưa bị xóa bỏ. Vì vậy việc tìm ra nó là cơ hội tuyệt vời để nghiên cứu trực tiếp về hoạt động kiến tạo mảng của Trái đất.

Bên trên khu vực đặc biệt này là một vùng biển nổi tiếng đầy bão tố, nằm ở phía Nam biển Tasman của New Zealand. "Một ngày đẹp trời" ở đây cũng phải hứng chịu sức gió lên tới 48km/giờ và những con sóng cao đến 6 mét.

Cập nhật: 12/05/2021 Theo NLĐ
  • 982