Trên Trái đất vẫn còn các bộ tộc chưa "thoát" khỏi kỳ đồ đá

  •   53
  • 4.156

Một số hòa hợp với thiên nhiên một cách bất ngờ, nhưng số khác thì cực kỳ man rợ.

Đa số chúng ta chắc chắn sẽ cảm thấy chẳng thể sống thiếu các tiện ích văn minh, công nghệ được. Nhưng với nhiều bộ tộc thiểu số, họ chẳng cần điều đó. Đối với họ, các tiện ích văn minh chỉ là vật cản, là kẻ thù, và họ vẫn luôn duy trì lối sống đúng như con người ở thời kỳ đồ đá.

Tưởng như thấp kém, nhưng hóa ra họ cũng là những nhân chứng sống, những tấm gương cho con người ở xã hội hiện đại, về cách bảo vệ rừng và hòa hợp với thiên nhiên.

1. Tộc Jarawa (Ấn Độ) - Kỳ thị kẻ ngoại tộc

Tộc Jarawa sinh sống trên quần đảo Andaman, Ấn Độ, dường như đã có lịch sử tồn tại hơn 50.000 năm. Hiện cả tộc còn khoảng 400 người, và tất cả đều sống bằng săn bắn, hái lượm.

Người Jarawa rất cực đoan chuyện huyết thống.
Người Jarawa rất cực đoan chuyện huyết thống.

Đàn ông trong bộ tộc được nuôi dạy thành những chiến binh mạnh mẽ, trong khi phụ nữ lo việc nội trợ, trở thành các bà mẹ đảm đang. Họ hiện vẫn đang sống rất tốt, thậm chí nổi tiếng khắp quần đảo với tài thu thập mật ong trên các vách đá cheo leo, cao chót vót.

Vào thập niên 1990, chính phủ Ấn Độ đã buộc người Jarawa phải rời rừng, tới định cư tại các thị trấn. Nhưng thay vì thoải mái với tiện nghi hiện đại, người Jarawa mắc phải những căn bệnh lạ - như dịch sởi chẳng hạn - khiến nhiều người tử vong. Cuối cùng đến năm 2004, bộ tộc tuyên bố từ bỏ, cắt đứt mọi liên hệ xã hội văn minh, và chuyển vào các khu rừng để sinh sống.

Sau nỗ lực sống chung với thế giới hiện đại thất bại, người Jarawa trở nên ghét bỏ người ngoài tộc. Nguyên nhân lớn nhất có lẽ là vì một số người văn minh thể hiện thái độ khinh thường, dụ dỗ thiếu nữ bộ tộc, thậm chí hãm hiếp họ. Các vụ trộm cắp cũng đến từ người của thế giới văn minh mà thôi.

Sự kỳ thị này lớn đến mức vào năm 2016, một phụ nữ Jarawa hạ sinh một đứa trẻ có một nửa dòng máu là ngoại tộc (do bị cưỡng bức). Đứa bé bị giết ngay tức khắc để duy trì sự thuần khiết của huyết tộc Jarawa.

2. Tộc Yanomami (Brazil) - cộng đồng nguyên thủy lớn nhất

Yanomami là bộ tộc lớn nhất vẫn giữ nếp sống nguyên thủy, với gần 38.000 người sinh sống tại Brazil và Venezuela.

Tộc Yanomami.
Tộc Yanomami.

Bộ tộc này có tập tục tụ họp dưới mái nhà chung shabono. Trung bình, một shabono có chu vi chừng 90m, hình tròn, giữa là khoảng sân rộng, làm từ các nguyên liệu tự nhiên như lá và dây leo của rừng nhiệt đới. Cứ mỗi 4-6 năm/lần, người Yanomami lại dỡ bỏ shabono cũ, dựng cái mới.

Trong tộc Yanomami, bé trai vừa lên 8 tuổi đã được coi là đàn ông, bé gái sau kỳ kinh đầu tiên được xem như phụ nữ trưởng thành. Họ phân công công việc rất rõ ràng, thích xăm mình, am tường kiến thức tự nhiên.

Yanomami cũng là tộc xuất sắc trong việc chế tạo và sử dụng chất độc từ thực vật. Đàn ông trong tộc rất hiếu chiến, sẵn sàng "động thủ" trước bất cứ mối đe dọa nào, bất chấp chuyện phải đổ máu.

Shabono của người Yanomami.
Shabono của người Yanomami.

Văn hóa ẩm thực của tộc cũng rất... kỳ quái, với món đặc sản súp chuối nêm tro cốt người chết. Họ tin rằng chỉ khi lưu giữ một phần của người mất trong cơ thể người sống, linh hồn của họ mới ở lại trên thế gian này. Vậy nên sau khi hỏa táng thân nhân qua đời, người Yanomami sẽ giữ lại tro cốt. Nếu tro cốt nêm súp chuối chia cho cả làng ăn vẫn còn dư, người nhà sẽ cất đi, để dành làm gia vị nấu ăn dần.

3. Tộc Nomole (Peru) - bộ tộc của sự man rợ

Dữ dằn hơn cả là tộc Nomole tại Peru. Người Peru thường gọi họ bằng cái tên Mascho (man rợ). Dân số người Mascho hiện nay vào khoảng 600 - 800 người.

Người Nomole.
Người Nomole.

Nomole ở đây có nghĩa là "anh chị em", có nghĩa rằng đây là một bộ tộc rất đoàn kết. Nhưng vấn đề là họ quá hung dữ và dễ dàng gây đổ máu. Như năm 2010, một người đàn ông đã tìm cách liên lạc với tộc Nomole, mời họ đến nhà và đặt vấn đề giao thương buôn bán.

Không ai rõ chuyện gì xảy ra tiếp theo. Chỉ biết rằng người này đã bị giết sau đó 1 năm. Và thậm chí, tộc người này sẵn sàng cướp bóc, chém giết các vùng lân cận rồi rút vào rừng.

Quá bất an, chính phủ Peru thậm chí đã phải ra lệnh kiểm soát, yêu cầu các công dân không tiếp xúc với người Nomole. Các thông tin về tộc Nomole vì thế vẫn còn quá ít. Chỉ biết rằng cất giữ một phương pháp làm rượu độc đáo: lên men trái cây trong chậu tre.

4. Tộc Sentinelese (Ấn Độ) - bén mảng đến là chết

Người Sentinelese không cho phép bất kỳ ai đặt chân lên hòn đảo. Cái giá phải trả chính là cái chết.
Người Sentinelese không cho phép bất kỳ ai đặt chân lên hòn đảo. Cái giá phải trả chính là cái chết.

Tương tự với tộc Nomole, người Sentinelese (Bắc Sentinel, Ấn Độ) sẽ giết bất cứ ai mon men mò vào lãnh thổ của họ.

Năm 2006, hai ngư dân Ấn Độ đã phải bỏ mạng vì đến quá gần bờ đảo Bắc Sentinel để đánh cá. Bất kể chính phủ Ấn Độ thương thuyết thế nào, tộc Sentinelese cũng không trả lại xác. Tuy nhiên, họ cũng có đắp mộ cho 2 cư dân xấu số này.

Rất ghét người bên ngoài nhưng tộc Sentinelese không từ chối quà cáp. Muốn tặng đồ cho người Sentinelese, bạn chỉ việc đặt quà trên bờ đảo. Họ sẽ thông báo đã nhận và cám ơn bằng một cục đá hoặc một mũi tên.

Dân số của bộ tộc ước tính 40-500 người, và họ sinh tồn dựa vào săn bắt, câu cá, hái lượm. Nhà của tộc Sentinelese chỉ có mái, không có tường bao quanh, lợp bằng lá, sàn cũng lót lá, rộng nhất là 12 mét vuông.

5. Tộc Awa-Guaja (Brazil) - hiền lành đến bất ngờ

Tộc Awa-Guaja rất thích nuôi thú cưng. Họ rất hòa hợp với thiên nhiên.
Tộc Awa-Guaja rất thích nuôi thú cưng. Họ rất hòa hợp với thiên nhiên.

Đối nghịch với hai bộ tộc hung hãn trên là tộc bản địa vô cùng hiền lương Awa-Guaja, Brazil. Họ có khoảng 350 người, là bộ tộc có nguy cơ bị tuyệt chủng cao nhất.

Không bước ra thế giới bên ngoài, nhưng người Awa-Guaja sẵn sàng mở rộng cửa chào đón bất cứ ai đến với họ. Sống nhờ săn bắn, hái lượm song tộc Awa-Guaja không bao giờ lạm dụng. Họ chỉ săn bắt đủ dùng, quy định giới hạn thời gian săn bắn trong năm và nghiêm chỉnh tuân thủ.

Để đảm bảo đủ thức ăn, tộc Awa-Guaja chăm chỉ chăn nuôi, trồng trọt. Họ rất thích thuần hóa thú hoang. Nhà Awa-Guaja nào cũng có nuôi một vài động vật đáng yêu như vẹt đuôi dài, cú, khỉ...

6. Tộc Huaorani (Ecuador) - xót xa thiên nhiên

Tộc Huaorani trở về tự nhiên vì muốn bảo vệ rừng.
Tộc Huaorani trở về tự nhiên vì muốn bảo vệ rừng.

Tộc Huaorani có khoảng 4.000 người, chia làm 5 bộ lạc: Tagaeri, Huiñatare, Oñamenane, và hai nhóm Taromenane, sống trong rừng mưa Ecuador.

Không như tộc Jarawa thất bại trong việc hòa nhập với thế giới hiện đại, tộc Huaorani sống thoải mái giữa tiện nghi công nghệ. Tuy nhiên, nhìn những khu rừng ngày càng bị hủy hoại, họ thương xót, cuối cùng từ bỏ cuộc sống hiện đại, quay về bảo vệ rừng.

Nhưng dù người Huaorani nỗ lực bảo vệ tự nhiên, đưa ra thông điệp cảnh cáo rõ ràng, lâm tặc vẫn không mấy bận tâm, tiếp tục đốn trộm gỗ.

Đối với tộc Huaorani, rừng là tất cả. Họ xem rừng như ngôi nhà chung. Trước khi vào rừng săn bắn, họ còn làm lễ cầu nguyện. Người Huaorani không săn rắn (biểu tượng của cái ác), hươu (vì mắt ngây thơ như mắt trẻ con) và báo đốm (con vật thiêng), hạn chế săn khỉ, chim, lợn lòi.

Công cụ đi săn của người Huaorani là phi tiêu tẩm độc. Họ muốn con vật phải hy sinh cho sự sống của người Huaorani có vết thương nhỏ nhất và cái chết ít đau đớn nhất.

7. Tộc Kawahiva (Brazil) - bộ tộc chạy trốn

Người Kawahiva cả đời chạy trốn, sợ người hiện đại.
Người Kawahiva cả đời chạy trốn, sợ người hiện đại.

So với các bộ tộc khác, kiến thức của nhân loại về tộc Kawahiva là nghèo nàn nhất. Cả đời một người Kawahiva bận rộn chạy trốn. Chỉ cần nhác thấy bóng người ngoài, họ lập tức biến mất trong rừng sâu.

Từ xa xưa, tộc Kawahiva đã là nạn nhân của diệt chủng. Năm 2005, có đến 29 người Brazil bị tình nghi phạm tội thảm sát người Kawahiva.

Như nhiều bộ tộc khác, người Kawahiva cũng sống bằng săn bắt, đánh cá, hái lượm. Họ không bao giờ định cư lâu dài tại một địa điểm, luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ. Ước tính cả tộc chỉ còn khoảng 25 - 50 người.

Được biết người Kawahiva cũng rất chịu khó trồng trọt, chăn nuôi. Họ dựng lều lán ở tạm, có sử dụng tên, giỏ, võng, thảm ngủ, biết dùng bánh xe để quay sợi, đan lưới...

8. Tộc Hadza (Tanzania - châu Phi) - bộ tộc lâu đời nhất

Hadza là tộc bản địa lâu đời nhất, vẫn cư trú tại địa điểm mà tổ tiên họ cách đây 1,9 triệu năm từng sinh tồn, Hồ Eyasi ở Tanzania, vùng Đông Phi.

Người Hadza rất biệt lập, ngay cả trên mặt di truyền cũng không dây mơ rễ má với tộc nào khác. Hiện tộc Hadza chỉ gồm 300-400 người, chia thành các nhóm 20-30 người. Họ không trồng trọt chăn nuôi, mà hoàn toàn dựa vào săn bắt và hái lượm.

Mọi cặp đôi Hadza đều chung thủy trọn đời.
Mọi cặp đôi Hadza đều chung thủy trọn đời.

Điểm nổi bật nhất trong tính cách của người Hadza chính là tính vị tha. Không có chuyện xung đột, đấu đá trong tộc người này. Trẻ con Hadza được nâng niu như trứng mỏng, yêu thương hết lòng.

Ngoài ra, dù không có quy định phải một vợ một chồng nhưng mọi cặp đôi Hadza đều chung thủy trọn đời. Chia sẻ thức ăn là chuyện bình thường trong tộc. Họ no cùng no, đói cùng đói, tuyệt đối không có chuyện giành giật miếng ăn.

Đàn ông Hadza lo săn bắn, kiếm mật ong; phụ nữ lo hái lượm song, tùy vào tình hình, vai trò có thể đảo lộn. Tính ra, người Hadza rất thoải mái, bình đẳng giới. Họ "nguyên thủy" đó nhưng lại là cái nguyên thủy mà cả thế giới phải ngưỡng mộ, ganh tị.

Cập nhật: 16/07/2018 Theo helino
  • 53
  • 4.156