Con virus gây chết người nhiều nhất hóa ra quen thuộc hơn chúng ta tưởng.
Thực ra, virus không phải lúc nào cũng nguy hiểm. Chúng tồn tại ở mọi môi trường trên Trái đất, đóng góp nhiều vai trò quan trọng cho tự nhiên.
Tuy nhiên, về cơ bản thì rất nhiều virus có thể gây nguy hiểm cho chúng ta, thậm chí là nguy hiểm chết người. Nhưng virus nào là nguy hiểm nhất?
Hiển nhiên các virus gây cúm luôn thuộc dạng cực kỳ nguy hiểm. Năm 1918, gần 100 triệu người đã chết chỉ vì một dịch cúm - con số tương đương với 5% dân số thế giới thời bấy giờ. Hơn 500 triệu người nhiễm cúm, bất kể già trẻ, lớn bé, chúng chẳng chừa một ai.
Đến nay, dịch cúm năm 1918 vẫn là dịch gây nhiều người chết nhất. Đó cũng là lý do mà các nhà khoa học ngày nay phải lao tâm khổ tứ, đầu tư nhiều tiền của nhằm ngăn chặn bất kỳ dịch cúm nào tương tự xuất hiện.
Dịch cúm năm 1918 khiến hàng trăm triệu người chết.
Và dành cho những ai chưa biết, virus gây ra dịch cúm năm 1918 chính là H1N1. Có nghĩa nếu xét trên số người chết, H1N1 chính là con virus nguy hiểm bậc nhất.
Tuy nhiên, việc xét trên độ nguy hiểm không chỉ dừng lại ở số người chết. Đơn giản là vì H1N1 có thể lây lan nhanh và rộng, nên có thể gây ra thảm họa. Còn nếu xét tỉ lệ chết trên số người mắc bệnh (CFR), thì nhiều loại virus khác còn khủng khiếp hơn nhiều. Chẳng hạn như bệnh dại.
Theo con số do WHO đưa ra, virus gây bệnh dại xuất hiện ở 150 quốc gia, có mặt ở gần như mọi lục địa (trừ Nam Cực), và 99% mắc bệnh đều do chó cắn. Căn bệnh này có thời gian ủ bệnh lâu, khiến người bệnh sợ nước, sợ cả ánh sáng, dần dần tê liệt, hôn mê và tử vong.
Chó dại là một trong những căn bệnh có tỉ lệ gây chết người cao nhất.
Và theo Elke Muhlberger - giáo sư sinh học tại ĐH Boston, tỷ lệ gây chết người khi nhiễm bệnh dại là 100% nếu không được chữa trị.
May mắn thay, bệnh dại có thể được phòng ngừa nhờ vaccine. Theo thống kê, mỗi năm có 15 triệu người trên thế giới được tiêm chủng, nhờ vậy mà hàng trăm ngàn sinh mạng được cứu sống mỗi năm.
Rồi đến Ebola. Virus này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976 tại Sudan, là một virus cực kỳ dễ lây lan. Tỷ lệ gây chết người từng lên tới 90% trong quá khứ, nhưng hiện tại "chỉ" còn 50% thôi. Dù vậy, vẫn cao hơn H1N1 rất nhiều, và quan trọng nhất là vẫn chưa có vaccine phòng bệnh hiệu quả.
Một virus khác cũng có tỷ lệ chết người cao là Marburg. Năm 2004, đợt dịch bùng phát tại Anglolan đã khiến ít nhất 88% trường hợp tử vong.
HIV cũng là một virus cần được liệt kê vào nhóm nguy hiểm, dù trường hợp này có phần phức tạp. Trên thực tế, ngày nay HIV không còn đồng nghĩa với một bản án tử nữa. Nếu như sống điều độ, lành mạnh, người nhiễm có thể kéo dài sự sống tới cả chục năm. Thậm chí sắp tới đây, khoa học thế giới sẽ còn thử nghiệm vaccine chống HIV trên người, mở ra tương lai xóa sổ vĩnh viễn loại virus này.
Tuy nhiên, bản thân tỷ lệ gây chết người không khiến một loại virus trở nên nguy hiểm hơn các loại khác. Đây chỉ là một yếu tố mà thôi. Ngoài ra còn cần phải tính đến mức độ lây lan, khả năng phát tác trong vật chủ, phương tiện lan truyền, khả năng tồn tại trên nhiều loài, khả năng vật chủ tạo ra kháng thể...
"Hầu hết các loài virus chúng ta tránh được là nhờ có vaccine. Như bệnh đậu mùa - một trong những loại virus khủng khiếp nhất cũng đã bị xóa sổ nhờ nó" - Tiến sĩ sinh học Nonia Pariente chia sẻ.
Trong tương lai là những thách thức mới, liên quan đến virus do muỗi lan truyền.
Theo Pariente, sự nguy hiểm của virus không còn nằm ở số người chết, tỷ lệ chết, hay các yếu tố thông thường ở thời điểm hiện tại. Trong tương lai là những thách thức mới, liên quan đến virus do muỗi lan truyền.
Priente cho biết, các loại virus này rất khó kiểm soát, và chúng liên tục tái xuất hiện dù có làm bất kỳ cách nào. Hơn nữa, chúng có xu hướng ngày càng gia tăng, vì nhiệt độ toàn cầu đang ấm lên. Sốt xuất huyết, sốt vàng, zika... tất cả đều có thể lan truyền.
Đồng thời, một mối lo cũng không kém phần nghiêm trọng, đó là khả năng biến đổi của virus khiến một số loại đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Con người chỉ còn cách tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị, phòng các trường hợp xấu nhất xảy ra.