Sputnik - con virus gây sốc cho toàn bộ giới nghiên cứu khoa học bằng cách kí sinh lên… một virus khác

  •   53
  • 1.858

Cuối thế kỉ 19, nhân loại lần đầu tiên khám phá ra một dạng sống mới có tên virus. Từ đó đến nay, những thực thể nhỏ bé này đã đưa chúng ta hết từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, bởi chẳng con nào giống con nào.

Sự độc đáo của virus trước hết đến từ cấu tạo có 1-0-2, và sau đó là "lối sống" chẳng giống ai của chúng.

Khác với những sinh vật sống bình thường, virus không cần đến hàng nghìn bào quan, hàng trăm bộ máy phân tử phức tạp để có thể hoạt động. Chúng chỉ là những mảnh acid nucleic được bọc ngoài bởi một lớp protein capsid - quá đỗi đơn giản để thực hiện bất kì chức năng sống nào.

Vậy mà, chúng vẫn sống.

Sputnik - con virus gây sốc cho toàn bộ giới nghiên cứu khoa học

Để có thể trao đổi chất và nhân lên, chúng buộc phải kí sinh vào các vật sống khác: từ những sinh vật nhân sơ, các dạng nấm nhỏ bé,… cho đến những cái cây, những loài vật to lớn, trong đó có cả con người.

Chỉ tại đây, virus mới có thể "mượn" các ribosome của tế bào để tự tổng hợp protein cho mình, rồi nhân lên nhờ sự phân chia của tế bào đó.

Cách virus ký sinh
Cách virus ký sinh.

Như vậy với những đặc tính này, chúng ta đều ngầm hiểu rằng virus sẽ chẳng bao giờ kí sinh lẫn nhau cả, vì điều đó sẽ không mang lại lợi ích gì. Các virus đều không có ribosome, không thể tự nhân lên nên luôn cần phải có vật chủ để hoạt động.

Thế nhưng 10 năm trước, một loại virus đã phá vỡ quy luật ấy và khiến con người một lần nữa phải vò đầu bứt tai. Năm 2008, nhóm nghiên cứu người Pháp đã lần đầu tiên tìm thấy trong mẫu vật lấy từ một đài phun nước tại Paris: một con virus đang "ăn bám" một con virus khác.

Họ đặt tên cho nó là Sputnik – mở đầu cho công cuộc nghiên cứu hoàn toàn lạ lẫm.

Sputnik có đường kính khoảng 50nm, và có khoảng 18.000 cặp bazơ nitơ (trong khi con người có khoảng 3 tỉ cặp trong ADN), kí sinh lên một virus khác thuộc dòng Mimivirus.

Chấm tròn màu đen bên phải chính là SputnikChấm tròn màu đen bên phải chính là Sputnik.

Mimivirus được biết đến là một trong những loại virus lớn nhất, đứng ngang hàng với một vài sinh vật nhân sơ khác. Tuy nhiên, kích thước không nói lên điều gì. Mimivirus vẫn là virus, vẫn không có đủ những bộ máy sinh học, enzyme cần thiết để tự nhân lên. Và điều này đã làm các nhà khoa học bối rối một thời gian dài về mục đích của Sputnik.

Thời gian trôi qua, rất nhiều nghiên cứu được thực hiện và hiện nay, chúng ta đã có thể trả lời được cho câu hỏi này.

Sputnik kí sinh lên amip

Khi quan sát Mimivirus bị kí sinh, người ta thấy rằng chúng thường kí sinh lên amip – một loài đơn bào nhân thực. Và thay vì tạo ra các Mimivirus khác, con amip lại tạo ra hàng loạt virus Sputnik.

Như vậy có nghĩa là: Sputnik cài gen của mình vào Mimivirus, Mimivirus lại cài chính gen đó vào amip. Và giờ thì cơ chế hoạt động của Sputnik trở nên hoàn toàn hợp lí.

Thế nhưng, các nhà khoa học vẫn tham vọng tìm ra nguyên nhân sâu xa của hành động này. Việc "cài cắm" một virus khác thì có gì hơn kí sinh trực tiếp lên một sinh vật khác?

Chưa ai rõ, nhưng chắc chắn sẽ không lâu cho tới khi nhân loại chinh phục được câu trả lời.

Cập nhật: 22/07/2018 Theo Soha
  • 53
  • 1.858