Nhiệm vụ DSL gồm 9 vệ tinh con thu thập tín hiệu từ vũ trụ sâu và một vệ tinh mẹ tập hợp dữ liệu để gửi về Trái đất.
Minh họa đội vệ tinh bay trên quỹ đạo xung quanh Mặt trăng. (Ảnh: CAS)
Các nhà khoa học Trung Quốc đề xuất triển khai nhiệm vụ Khám phá bầu trời ở những bước sóng dài nhất (DSL), còn gọi là Hongmeng, với mục tiêu phóng 10 vệ tinh lên quỹ đạo xung quanh Mặt trăng để quan sát vũ trụ cổ xưa, Space hôm 7/8 đưa tin. Đội vệ tinh này có thể bắt được những tín hiệu vũ trụ yếu nhờ sử dụng Mặt trăng để ngăn chặn nhiễu điện từ mà hoạt động của con người trên Trái đất gây ra.
Mục đích của nhiệm vụ là hiểu thêm về "thời kỳ vũ trụ đen tối" - giai đoạn bí ẩn trước khi những ngôi sao đầu tiên bắt đầu chiếu sáng - bằng cách thu thập ánh sáng có bước sóng cực dài và yếu phát ra từ những nguyên tử hydro hình thành từ vụ nổ Big Bang.
9 vệ tinh con sẽ thu thập tín hiệu yếu từ vũ trụ sâu trong khi di chuyển ở phía xa của Mặt trăng, nơi yếu tố gây nhiễu từ Trái đất sẽ bị chặn lại. Sau đó, vệ tinh mẹ hoạt động ở phía gần của Mặt trăng sẽ tập hợp thông tin từ các vệ tinh con và truyền dữ liệu về Trái đất.
Những tín hiệu tần số thấp từ vũ trụ thời sơ khai rất khó hoặc không thể thu nhận trên Trái đất do tầng điện ly. Vì vậy, đề xuất mới là một phương án thay thế sáng tạo cho việc đặt kính viễn vọng cố định trên bề mặt phía xa của Mặt trăng - biện pháp tốn kém và khó thực hiện hơn, theo nhà khoa học vũ trụ Trung Quốc Wu Ji.
Nhiệm vụ DSL do Chen Xuelei, chuyên gia tại Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) dẫn dắt. Đây là một trong những nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực thiên văn, thám hiểm, khoa học Trái đất, vật lý Mặt Trời và ngoại hành tinh đang cạnh tranh để được phê duyệt theo Chương trình Chân trời Mới của CAS. DSL có thể được chấp thuận chính thức trong những tuần tới, theo SCMP.