Trung Quốc đưa nhóm phi hành gia mới lên trạm vũ trụ Thiên Cung

  •  
  • 136

Trung Quốc sẽ cử một phi hành đoàn mới tới trạm vũ trụ Thiên Cung, đây là nhiệm vụ mới nhất trong chương trình đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030, AFP dẫn tuyên bố của Cơ quan vũ trụ Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 24/4.

Phi hành đoàn gồm ba thành viên của tàu vũ trụ Thần Châu-18 sẽ thay thế đội Thần Châu-17 hiện tại đang điều khiển trạm vũ trụ Thiên Cung từ tháng 10/2023.

Các phi hành gia chuẩn bị cho sứ mệnh Thần Châu-18 tham dự cuộc họp báo
Các phi hành gia chuẩn bị cho sứ mệnh Thần Châu-18 tham dự cuộc họp báo tại Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, ngày 24/4. (Ảnh: AFP).

Thần Châu-18 dự kiến sẽ ​​cất cánh lúc 20h59’ (12:59 GMT) hôm nay [25/4] từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở Tây Bắc Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo, Cơ quan vũ trụ Trung Quốc đã giới thiệu chỉ huy Ye Guanfu, 43 tuổi, một phi hành gia kỳ cựu từng tham gia sứ mệnh Thần Châu-13 vào năm 2021. Chỉ huy Ye sẽ đồng hành cùng hai phi hành gia Li Cong, 34 tuổi và Li Guansu, 36 tuổi, những người sẽ lần đầu tiên bay vào vũ trụ.

Chỉ huy Ye mô tả vụ phóng là một "khởi đầu mới". "Đối mặt với thử thách, tôi và hai đồng đội đã chuẩn bị đầy đủ. Chúng tôi tràn đầy tự tin có thể hoàn thành nhiệm vụ này", chỉ huy Ye nhấn mạnh.

Phi hành gia Li Guansu cho biết: "Tôi muốn nhìn thật kỹ hành tinh xanh xinh đẹp, những ngọn núi và dòng sông lộng lẫy của quê hương và tìm lại những nơi đã nuôi dưỡng tôi trong suốt chặng đường. Tôi cũng muốn tận mắt chứng kiến đứa con đáng yêu của mình xem các ngôi sao trên bầu trời có thực sự lấp lánh hay không".

Phi hành đoàn Thần Châu-18 sẽ sống trên trạm vũ trụ Thiên Cung trong 6 tháng, thực hiện các thí nghiệm về trọng lực và vật lý, cũng như trong khoa học đời sống.

Theo Tân Hoa Xã, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan vũ trụ Trung Quốc Lin Xiqiang cho biết họ cũng sẽ thực hiện một "dự án phát hiện khí nhà kính toàn cầu với độ phân giải cao".

“Tất cả các công tác chuẩn bị đều đúng tiến độ. Họ sẽ làm việc với các phi hành gia khác để thực hiện các sứ mệnh tiếp theo trên trạm vũ trụ và hiện thực hóa việc hạ cánh lên Mặt trăng”, ông Lin nói.

Trạm vũ trụ Thiên Cung
Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. (Ảnh: Space.com).

Thiên Cung, có nghĩa là "cung điện trên trời", là trạm vũ trụ tự xây dựng của Trung Quốc. Bắc Kinh thực hiện sứ mệnh không gian lần đầu tiên vào năm 2003, trở thành quốc gia thứ ba sau Liên Xô (cũ) và Mỹ đưa người vào vũ trụ bằng nguồn lực của chính mình.

Được hoàn thiện vào năm 2022, trạm vũ trụ Thiên Cung do các đội luân phiên gồm tối đa ba phi hành gia điều khiển ở độ cao quỹ đạo lên tới 450km. Theo Học viện Công nghệ vũ trụ Trung Quốc, thời gian hoạt động của Thiên Cung có thể kéo dài hơn 15 năm.

Cập nhật: 25/04/2024 kinhtedothi
  • 136