Tử Cấm Thành có hơn 70 giếng nước nhưng không một ai dám uống: Vì sao?

  •   54
  • 5.285

Tử Cấm Thành ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) mà chúng ta thấy ngày nay là một di tích lịch sử được xây dựng vào thời nhà Minh, dựa trên nguyên tác Cố Cung ở Nam Kinh. Đây là đại diện tiêu biểu nhất của kiến ​​trúc cung đình Trung Quốc, đồng thời cũng là một trong những cung điện cổ bằng gỗ còn được bảo tồn nguyên vẹn nhất trên thế giới.

"Minh sử" có ghi, Minh Thành Tổ chọn dời đô đến Bắc Kinh bởi có một vị đại thần đã dâng tấu rằng Bắc Kinh chính là "đất Long Hưng", tức nơi phát tích của hoàng đế.

Các vị quân vương phong kiến hầu hết đều rất tin vào phong thủy, hơn nữa Bắc Kinh lúc đó còn nằm trong số các thái ấp của Minh Thành Tổ, vì vậy, ông đã mạnh tay đầu tư nâng cấp Bắc Kinh, đồng thời thúc đẩy dân chúng di cư đến đây để tăng cường nhân công xây dựng thành quách.

Tử cấm thànhNguồn ảnh: Sohu.

Sau 11 năm chuẩn bị, các vật liệu như gỗ và đá quý đã được chuyển từ khắp mọi miền đất nước về Bắc Kinh. Theo Sohu, tổng diện tích xây dựng của Tử Cấm Thành vào khoảng 150.000m2, kết cấu bên trong vô cùng tinh xảo khéo léo với hơn 10 kiểu mái vòm khác nhau kết hợp cùng các cấu kiện nhiều màu sắc, tạo nên một Tử Cấm Thành uy nghiêm và tráng lệ.

Xoay quanh những câu chuyện thú vị về cung điện xa hoa này, một lão thái giám từng kể rằng: "Tử Cấm Thành có hơn 70 giếng nước nhưng không ai dám uống nước trong những giếng này". 

Người ta đã đếm được tổng cộng ở trong Cố Cung có hơn 70 chiếc giếng. Là nơi ở của hàng ngàn con người suốt 24 đời vua, việc đào giếng trong cung để lấy nguồn nước ăn uống, sinh hoạt không có gì là lạ. Thế nhưng, điểm dị thường là ở chỗ những chiếc giếng này chỉ thực sự được sử dụng vào thời gian đầu cung điện đi vào hoạt động mà thôi. Khoảng 500 năm cuối cùng của thời đại phong kiến, sử sách và các chuyên gia sử học đều cho rằng người trong cung tuyệt nhiên không còn dám dùng nước giếng Tử Cấm Thành nữa.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân nước giếng trong cung không thể uống có thể được lý giải như sau.

1. Giếng nước chữa cháy

Tử Cấm Thành bao gồm nhiều cung điện gỗ, tất cả đều được xây dựng bằng gỗ quý, rất dễ gặp hỏa hoạn do sét đánh hoặc do sơ suất của những người làm trong cung gây ra. "Minh sử" có ghi chép, năm Gia Tĩnh thứ 36 và năm Vạn Lịch thứ 25, trong Tử Cấm Thành đã xảy ra những vụ hỏa hoạn lớn khiến nhiều cung điện bị thiêu rụi, gây ra tổn thất cực kỳ nghiêm trọng.

Vì vậy, theo các chuyên gia, việc xây dựng và tái tạo lại các công trình tốn rất nhiều chi phí, điều này khiến các nhà cầm quyền phải quan tâm nhiều hơn đến công tác phòng cháy và chữa cháy, từ đó, những giếng nước trong cung dần trở nên hữu dụng.

Mỗi khi xảy ra hỏa hoạn, người trong cung đều múc nước từ giếng gần đó để ứng cứu kịp thời, có thể nói nước giếng là nguồn chữa cháy hiệu quả nhất trong Tử Cấm Thành lúc bấy giờ.

Một bài viết trên Sohu chỉ ra, đã có hơn 100 vụ hỏa hoạn vào triều đại nhà Minh và nhà Thanh, nhưng hầu hết Tử Cấm Thành vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, có thể thấy những giếng nước này đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các di tích văn hóa.

Giếng nước Nguồn ảnh: Sohu.

Có một giả thiết khác về việc người ta sợ uống nước trong các giếng ở Tử Cấm Thành là liên quan đến câu chuyện "Giếng Trân Phi", là giếng còn tồn tại thật đến ngày nay và trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng tại Tử Cấm Thành.

Theo cuốn "Nhật ký Gia Sơn", một viên quan đã của Tử Cấm Thành đã ghi lại câu chuyện: Vào đêm trước khi liên quân tám nước tấn công vào Tử Cấm Thành, Từ Hi Thái hậu trong lúc tháo chạy vì không muốn mang theo Trân Phi – người luôn chống đối mình, đã sai người dìm chết Trân Phi dưới giếng.

Bi kịch của Trân Phi là một điển hình về một thực tế lịch sử hàng trăm năm, trong đó là những cuộc tranh giành quyền lực "gió tanh mưa máu", không biết bao nhiêu người đã bỏ mạng dưới những chiếc giếng này.

Tuy vậy, lý giải rằng nhiều người không dám uống nước vì đó là "mồ chôn oan hồn" chỉ mới dừng ở mức lời đồn mà chưa ai chứng minh. Trong khi đó, một lý do rất cơ bản và tin cậy hơn, là vấn đề chất lượng nước, sẽ được chỉ ra bên dưới.

Bi kịch của Trân PhiNguồn ảnh: Sohu.

2. Chất lượng nước

Vì Tử Cấm Thành là nơi sinh sống của rất nhiều hoàng thân quốc thích và thái giám, cung nữ nên chắc chắn sẽ cần nhiều nước cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt. Vậy nếu không phải nước giếng thì người trong cung dùng loại nước gì?

Tác giả Từ Kha, trong cuốn sách "Tuyển tập những mẩu chuyện nhỏ thời Thanh", viết rằng: "Nếu người trong Đại Nội muốn uống nước sẽ chỉ dùng nước từ núi Ngọc Tuyền".

Quả thật, sau này, khi các chuyên gia tiến hành điều tra đã phát hiện ra rằng vào thời nhà Thanh, hầu như tất cả nước sinh hoạt trong Tử Cấm Thành đều được vận chuyển từ núi Ngọc Tuyền về.

Theo đó thì Hoàng đế Càn Long đã tiến hành khảo nghiệm để so sánh nhiều nguồn nước và kết luận rằng nước suối ở núi Ngọc Tuyền là thích hợp nhất để sử dụng trong cung đình, còn nước giếng là nước cứng (loại nước chứa hàm lượng chất khoáng cao, chủ yếu là hai ion canxi và magie) uống vào sẽ không tốt cho sức khỏe.

Thêm vào đó, nước giếng cũng không được sử dụng vì lý do an toàn tính mạng. Nếu có ai đó hạ độc một giếng, hàng chục giếng nước khác trong Tử Cấm Thành cũng sẽ nhiễm độc vì chúng được nối thông nhau. Các giếng này cũng nối thông với sông Ngự bên ngoài thành.

Nghiên cứu "Vấn đề ô nhiễm nước và các biện pháp bảo vệ sông Ngự, thành phố Đại Đồng" được thực hiện bởi tác giả Hứa Côn còn chỉ ra rằng: Sông Ngự từ lâu đã trở thành một kênh dẫn nước thải, tình trạng ô nhiễm nước ngầm dọc hai bên bờ sông vô cùng nghiêm trọng. 

Các loại rác thải, xác động vật chết theo sông Ngự tràn vào nước giếng ngầm trong Tử Cấm Thành, theo thời gian chất lượng nước càng ngày càng kém.

Tuy rằng không uống được, nhưng người trong cung muốn lau dọn tẩm điện thì sử dụng nước giếng sẽ tương đối thuận tiện.

Có thể thấy, nước giếng trong Tử Cấm Thành, một là người ta không dám uống, hai là quả thực không thể uống, câu nói của vị thái giám khi xưa vẫn là có cơ sở.

Cập nhật: 05/01/2022 Theo Soha/doanhnghieptiepthi
  • 54
  • 5.285