Tuần lộc lội tuyết

  •  
  • 1.646

Tuần lộc là động vật sống ở Cực Bắc của Bắc bán cầu, phân bố chủ yếu trong vòng Bắc Cực.

Thói quen của tuần lộc hoang dã là di cư tập thể, hàng năm cứ đến mùa đông, hàng vạn con tuần lộc tụ tập lại thành đàn lớn di chuyển xuống phía Nam sát với rìa đất đóng băng có rừng cây. Tháng 10-11 là mùa giao phối của tuần lộc trên đường đi trú đông. Con đực sau một trận kịch chiến giành thắng lợi, được giao phối với con cái. Sau đó con đực tụ hội

Reindeer - Tuần lộc

(Ảnh: helsinki)

thành một đàn mấy con tiếp tục đi về phương Nam, còn những con cái mang thai và những con non thường dừng lại dọc đường. Mùa xuân năm sau, tuần lộc lại đi về phương Bắc đến tận bờ Bắc Băng dương. Thông thường, con mẹ dẫn đường. Đến tháng 4-5, chúng đã trở lại nơi quen thuộc của vùng đất đóng băng yên tĩnh.

Tuần lộc có một cặp sừng dài, nhiều nhánh, mọc lộn xộn không quy tắc. Nó còn có 4 chân guốc tuyệt vời, khác hẳn với các giống hươu khác: 4 ngón chân guốc của mỗi chân đều có "giầy" sừng lồng vào. Hai bên cạnh "giầy" rất dài, có thể trực tiếp tiếp xúc với mặt đất. Sừng lồng vào ngón giữa rất rộng, cong như lưỡi cuốc khi chúng đi trên đất bùn hoặc tuyết xốp, các ngón tõe ra làm thành một loại "giầy trượt tuyết", đồng thời cũng là công cụ bới tuyết rất khỏe. 4 chân linh hoạt và khỏe mạnh với 4 guốc chân to cứng đào tuyết sau xuống khoảng 1m để tìm thức ăn.

Tuần lộc có sức chịu lạnh ghê gớm và tài bơi lội. Mình nó phủ 2 lớp lông dày. Lớp lông ngoài là lông mao ống chứa đầy không khí vừa dài vừa tròn, lớp lông trong là lông nhung mềm mại và dày, giữa các lông nhung cũng bão hòa không khí. Lớp mỡ dưới da của tuần lộc cũng rất dày. Nhờ đó chúng sống thoải mái, không co ro giữa thế giới băng giá.

Tuần lộc là loài động vật ăn thực vật, thức ăn chủ yếu của chúng là địa y và rêu. Nó cũng ăn lá liễu, cỏ và nấm tươi. Con người đã thuần dưỡng tuần lộc hàng nghìn năm nay. Chúng không những là công cụ vận chuyển tốt trên tuyết, mà còn cho người ta thịt, sữa, mỡ, lông da. Sừng của nó còn được dùng làm thuốc.

H.T (Theo Bách khoa tri thức)
  • 1.646