Tục ăn thịt đồng loại rất phổ biến ở động vật, kể cả con người xưa kia. Vì mầm bệnh có thể nhảy từ nạn nhân sang kẻ ăn thịt, nên có thể suy luận rằng bệnh tật dễ phát tán trong những kẻ ăn thịt nhau. Nhưng thực tế lại ngược lại.
Bệnh tật hiếm khi lây lan trong các loài thú có tập tính này. Những tính toán mới phỏng đoán rằng đó là bởi chúng thường ăn riêng lẻ. Nếu đánh chén bầy đàn, các vi trùng gây bệnh sẽ dễ dàng phát tán.
"Có thể đó là lý do vì sao ăn thịt đồng loại không còn phổ biến ở loài người như xưa kia, bởi ảnh hưởng tiêu cực rất lớn có thể xảy ra khi bệnh tật lan truyền", nhà sinh thái học Volker Rudolf từ Đại học bang Virginia ở Charlottesville (Mỹ) nói.
(Ảnh: Birdsasart) |
Vì ăn thịt đồng loại là phổ biến, Rudolf và cộng sự muốn tìm hiểu xem mức độ lan truyền bệnh tật do thói quen này. Các phân tích khoa học cho thấy mặc dù ăn thịt lẫn nhau gặp ở nhiều loài, từ giáp xác, côn trùng đến các loài thú, nhưng dường như bệnh tật chỉ lây lan trong hai trường hợp sau đây: bệnh Kuru ở người và bệnh Sarcocystis ở thằn lằn, trong đó con này ăn đuôi của con khác.
Tính toán cho thấy ăn thịt đồng loại sẽ là phương tiện lây bệnh hiệu quả chỉ khi các con vật đánh chén cùng nhau chứ không phải đơn độc "ăn mảnh".
"Những nhóm ăn thịt đồng loại như vậy rất hiếm trong tự nhiên", Rudolf nói. "Ngoài con người, ví dụ duy nhất khác chúng tôi có thể tìm thấy là tinh tinh, với các nhóm con đực cùng tấn công và ăn thịt con tinh tinh khác. Có thể nói ăn thịt đồng loại rất phổ biến trong sinh giới, nhưng thường là một - ăn - một".
T. An