Tuyến giáp là gì? Chúng hoạt động như thế nào?

  •  
  • 1.348

Nằm dưới lớp mô ở cổ là một cơ quan nhỏ bé đảm nhận một nhiệm vụ vô cùng to lớn cho toàn bộ cơ thể, đó chính là tuyến giáp. Hệt như Giám đốc điều hành của một công ty, tuyến giáp đảm bảo cho toàn bộ tế bào trong cơ thể được hoạt động bình thường. Nó sử dụng các nội tiết tố để truyền lệnh đến từng tế bào.

Chức năng của tuyến giáp

Cơ quan cấp cao này được tạo nên từ những tiểu thùy chứa những tế bào nhỏ hơn gọi là nang, đây là nơi lưu trữ các nội tiết tố mà tuyến giáp truyền vào máu của bạn. Hai nội tiết tố quan trọng do tuyến giáp sản xuất là Thyroxine và Triiodothyronine hay còn gọi là T3 và T4. Với chức năng truyền tin, nội tiết tố có nhiệm vụ chỉ dẫn mọi tế bào trong cơ thể hấp thu oxy và dưỡng chất, giúp duy trì sự trao đổi chất và hàng loạt phản ứng cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Tuyến giáp
Tuyến giáp đảm bảo cho toàn bộ tế bào trong cơ thể được hoạt động bình thường.

Ví dụ như: Thông tin truyền đi nhờ nội tiết tố giúp tim bơm máu hiệu quả hơn và hỗ trợ các tế bào thu lọc dưỡng chất nhanh hơn. Khi ta cần thêm năng lượng, tuyến giáp sẽ tiết nội tiết tố giúp tăng cường trao đổi chất. Tuyến giáp điều phối việc tế bào dùng năng lượng, phát triển và sinh sản.

Tuyến giáp được điều khiển bởi tuyến yên, một tuyến nội tiết nằm sâu trong não bộ, giám sát các nhiệm vụ của tuyến giáp để bảo đảm tuyến giáp hiểu được khi nào cần gửi thông tin. Tuyến yên sẽ phán đoán liệu mức nội tiết tố trong máu đang quá thấp hay quá cao, để gửi mệnh lệnh đến tuyến giáp (TSH).

Cơ thể sẽ ra sao nếu tuyến giáp bất ổn?

Nhưng ngay với hệ thống có kiểm soát chặt chẽ này, đôi khi việc điều hành vẫn gặp phải trục trặc. Một số bệnh có thể làm cơ quan này rối loạn và trở nên bàng quan với mệnh lệnh từ tuyến yên.

  • Bệnh cường tuyến giáp: Xảy ra khi tuyến giáp tiết quá nhiều nội tiết tố. Điều đó có nghĩa các tế bào bị quá tải với các mệnh lệnh hấp thu dưỡng chất, oxy và hoạt động quá mức. Một người mắc chứng cường giáp sẽ có quá trình trao đổi chất nhanh hơn khiến nhịp tim đập nhanh hơn, thường xuyên đói bụng và sút cân nhanh. Họ cũng cảm thấy nóng nực, đổ mồ hôi, hay bồn chồn và khó ngủ.
  • Bệnh suy tuyến giáp: Xảy ra khi tuyến giáp tiết quá ít nội tiết tố, khiến các tế bào trong cơ thể không nhận được đủ thông tin. Chúng trở nên chậm chạp và khiến đình trệ quá trình trao đổi chất. Những người bị suy giáp thường có các triệu chứng tăng cân như uể oải, dễ cảm lạnh, sưng khớp và cảm thấy chán nản.

May mắn là có thuốc điều trị có thể giúp ổn định hoạt động của tuyến giáp và đưa cơ thể trở lại quá trình trao đổi chất nhịp nhàng. Dù nhỏ nhưng tuyến giáp nắm trong tay quyền lực không thể coi thường.

Cập nhật: 15/11/2019 Theo Tinh Tế
  • 1.348