Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết, Khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng II TP HCM, cho biết, tiêu chảy là một trong 10 bệnh có tỷ lệ trẻ mắc phải cao nhất Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu của căn bệnh này là do trẻ dùng thực phẩm nhiễm khuẩn vì không được bảo quản tốt.
Trẻ điều trị nội trú tại bệnh viện. (Ảnh: VNE) |
Một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi đồng II khẳng định, tỷ lệ trẻ nhập viện vì bệnh tiêu chảy rất cao so với các bệnh khác. Và số lượng không thay đổi nhiều qua các năm. Mỗi năm có gần 7.000 bệnh nhi nhập viện này vì bệnh tiêu chảy. Hơn 90% trong số đó là trẻ các quận, huyện ngoại thành, chiếm 30% số giường bệnh nội trú. Lứa tuổi mắc bệnh nhiều nhất là trẻ dưới 3 tuổi.
Đa số trẻ nhập viện sớm, trong 3 ngày đầu khởi bệnh có số lần đi ngoài dưới 6 lần/ngày. Trẻ thường đến bệnh viện trong tình trạng sốt, ói, sụt cân, cơ thể mất nước và đi ngoài...
Một trẻ mắc bệnh tiêu chảy phải nhập viện thường điều trị nội trú trung bình khoảng 5 ngày. Hơn 20% bệnh nhi nằm viện kéo dài trên 7 ngày. Các yếu tố liên quan đến thời gian nằm viện: sử dụng kháng sinh, do truyền dịch, viêm phế quản, phổi, mất nước, hạ kali máu, nhiễm khuẩn các cơ quan khác... (nhiều nhất là viêm hô hấp trên, viêm phế quản phổi).
Trong y khoa, tiêu chảy được định nghĩa là đi ngoài với phân có nhiều dịch và nước, số lần đi ngoài hơn 3 lần/ngày. Trước đây, khi bệnh nhi bị tiêu chảy cấp đến cấp cứu tại bệnh viện, ngoài các biện pháp hồi sức bình thường, còn phải sử dụng kháng sinh trong điều trị.
"Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp bác sĩ sử dụng kháng sinh không hợp lý nên kéo dài tình trạng mang trùng và thời gian nằm viện của bệnh nhi. Vì hầu hết các loại kháng sinh thường xảy ra tác dụng phụ. Loại thuốc này có tác dụng tiêu diệt các mầm bệnh nhưng cũng đồng thời tiêu diệt các vi khuẩn cộng sinh có lợi cho cơ thể. Sử dụng càng bất hợp lý tác dụng phụ càng lớn", bác sĩ Tuyết giải thích.
Các xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi đồng II cho thấy bệnh nhi mắc bệnh không do vi trùng chiếm nhiều nhất, kế đến do nhiễm trùng... Việc xác lập tác nhân gây bệnh còn thấp do hạn chế về phương tiện kỹ thuật và kỹ thuật vi sinh học. Định hướng chẩn đoán mới chỉ có thể dựa vào biểu hiện bệnh như: sốt, tình trạng đi ngoài, sự giảm sút của sức khỏe...
Gần đây các nhà nghiên cứu cho rằng, sự thay đổi trong thành phần và tính chất của phân khi trẻ mắc bệnh quan trọng hơn số lần đi ngoài. Và điều này ảnh hưởng tới quyết định sử dụng kháng sinh trong điều trị. Một loại kháng sinh mới (Probitic) được thử nghiệm trên hơn 600 bệnh nhi nhập viện vì tiêu chảy cấp cho kết quả rất tốt như rút ngắn thời gian bệnh và thời gian điều trị, còn có khả năng phòng ngừa rối loạn tiêu hóa do sử dụng kháng sinh. "Điều này có ý nghĩ rất lớn đến việc giúp bệnh nhân nhanh hồi phục và hạn chế nguy cơ suy dinh dưỡng. Vì nguy cơ lớn nhất của bệnh là làm trẻ bị suy dinh dưỡng", bác sĩ Tuyết đánh giá.
Tuy vậy, theo các bác sĩ, tiêu chảy có thể được điều trị đơn giản bằng cách bổ sung nước và muối khoáng. Chỉ những trường hợp trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng mới cần uống thêm kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ.
Lứa tuổi mắc nhiều nhất là dưới 3 tuổi. Trẻ càng nhỏ, càng có nguy cơ bệnh nặng và kéo dài. Do đó, bác sĩ khuyên các bậc cha mẹ cần đưa con đi khám nếu trẻ đi ngoài phân lỏng hơn 6 tiếng đồng hồ, hoặc ngoài chứng tiêu chảy, trẻ còn bị nôn mửa hoặc sốt... Không tự ý cho trẻ uống thuốc chống nôn hoặc ngừng tiêu chảy vì trẻ sẽ bị trướng bụng, khó thở, ngủ li bì do tác dụng phụ của thuốc.
Mỹ Lan