Vén màn bí mật về những đền tháp cổ ở Cát Tiên

  •  
  • 2.945

Những tháp Chăm, những ngôi đền Phù Nam rồi di tích Cát Tiên, tất cả dù hiện hữu hay lộ ra qua khảo cổ học, vẫn để một câu hỏi lơ lửng lâu nay: Vật liệu xây dựng từ đâu, hay giả thiết rằng người xưa đã xếp gạch lên rồi nung nguyên cả ngọn tháp?

Những ngày qua, phát hiện ở vùng Cát Tiên đã làm sáng tỏ những thắc mắc trên.

TS Bùi Chí Hoàng khẳng định những lò gạch này chính là nơi cung cấp gạch để xây di tích Cát Tiên.

TS Bùi Chí Hoàng khẳng định những lò gạch này chính là nơi cung cấp gạch để xây di tích Cát Tiên. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Một cánh đồng bao la rộng hàng chục mẫu, với một vòng cung những ngọn núi hình bát úp kết thành dãy ôm lấy cánh đồng, cách đó không xa là dòng sông Đồng Nai với di tích Cát Tiên lụi tàn nằm ngay bên bờ. Ngay giữa đồng, thuộc địa phận xã Tư Nghĩa, huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, suốt hai tuần khai quật, từ 15/7 (và sẽ kéo dài đến 20/8 để hy vọng có thêm phát hiện khác), các nhà khảo cổ đã tìm thấy dưới lòng đất bốn lò gạch cách nhau không xa. Đấy là dấu tích những lò gạch cổ, ước chừng cách nay 12-16 thế kỷ.

Suốt hơn 20 năm qua các nhà khảo cổ học VN và thế giới đã phát hiện dần hàng loạt đền tháp, mộ tháp… đậm màu Ấn Độ (thờ thần Siva linga-yoni…) và gọi chung là “di tích khảo cổ học Cát Tiên”.

Di tích Cát Tiên đang tiến dần đến tầm vóc của một di sản thế giới, được chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá đồ sộ hơn cả di tích Mỹ Sơn ở Quảng Nam.

Các lò gạch chưa từng thấy trên lãnh thổ Việt Nam này trông rất thô sơ với chiều dài cả khối lò độ 21m, ngang 6m. Ở đó hiện ra những lằn gạch bị cháy đen chen lẫn những lằn có gạch au đỏ, than củi, cùng hệ thống kết cấu lò với những cầu lửa (để đốt lửa vào nung gạch) và cầu gạch (để chất gạch lên nung) đều có hướng đón gió vào lò từ phía nam.

Đoàn khảo cổ (gồm Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ TP HCM thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ và Bảo tàng Lâm Đồng) đã mang gạch đi so sánh và xác định chủng loại gạch.

“Không nghi ngờ gì nữa, những lò nung bí ẩn bị chôn vùi dưới lòng đất này chính là nơi sản xuất ra gạch phục vụ đại công trình xây dựng di tích Cát Tiên, cách đấy chừng 1 đến 1,5km”, nhà khảo cổ học Bùi Chí Hoàng, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ TP HCM, người đặt những nhát khai quật khảo cổ đầu tiên ở Cát Tiên từ năm 1985, nhận định.

Vết tích lò gạch lộ ra

Vết tích lò gạch lộ ra.
(Ảnh: Tuổi Trẻ)

Theo tiến sĩ Hoàng, việc xây dựng những lò gạch ngay sát con suối lớn chảy qua là để thuận lợi trong vận chuyển gạch ra sông Đồng Nai để đưa về công trường xây dựng, và chọn cánh đồng thoáng rộng trên là để có sân phơi trong quá trình sản xuất gạch

Lâu nay, việc xác định niên đại cho di tích Cát Tiên vẫn còn chưa có sự đồng nhất. Có chuyên gia cho là từ thế kỷ 4, có người nói thế kỷ 7-8, cũng có người lại cho từ 8 đến 11…

Trong việc hoàn thiện hồ sơ mà Cục Di sản - Bộ Văn hoá Thông tin đang làm để trình UNESCO công nhận di tích Cát Tiên là di sản văn hóa thế giới, việc xác định được niên đại ra đời cũng là một yêu cầu.

Ông Hoàng cho rằng những mẫu than ở “trung tâm” sản xuất gạch này sẽ giúp xác định niên đại dễ dàng hơn, bằng phương pháp C14. Thêm nữa, từ các lò gạch cổ sẽ mở ra khả năng nhận biết về đặc điểm cư trú, cư dân, nghề thủ công… ở Cát Tiên trong quá khứ, đặc biệt là khả năng xác định chủ nhân của di tích Hindu giáo này…

Sau khi nhận được thông tin trên, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã lập tức đồng ý cho xây nhà mái che để bảo vệ những lò gạch cổ.

Theo Tuổi Trẻ, Vnexpress
  • 2.945