Khi chúng ta nếm hay ngửi, các thành phần nhận biết (có tên là receptor) của các tế bào thần kinh sẽ kiểm tra các chất và gửi thông tin đến bộ não. Ở bộ não, rất nhiều tế bào khác sẽ xử lý thông tin đưa về để nhận biết xem chúng ta đang nếm hay ngửi thứ gì. Nhưng vi khuẩn chỉ là một sinh vật đơn bào và chúng sử dụng các receptor khác để có thể nhận biết môi trường xung quanh.
Các receptor của vi khuẩn kết hợp lại với nhau thành một “lưới mắt cáo” trên bề mặt của vi khuẩn để khuếch đại những thay đổi dù nhỏ nhất trong môi trường, từ đó dẫn tới những phản ứng cụ thể trong tế bào. Vi khuẩn có thể nhận biết một thay đổi nhỏ chỉ bằng 0,1% của môi trường xung quanh. Các nhà khoa học cho rằng, từ trước đến nay chưa có một hệ thống nào nhạy bén đến vậy.
Cơ chế mắt cáo của các receptor trong vi khuẩn có thể được ứng dụng để sản xuất các thiết bị cảm ứng cỡ phân tử. Các thiết bị này sẽ được dùng để nhận biết các chất hoá học, ánh sáng, độ pH hay các kim loại nặng với độ nhạy cao.
Lưu Hoàng Lương