Giả sử bạn bị khóa trong một căn phòng trống không, trước mặt bạn chỉ đặt duy nhất một chiếc nút to màu đỏ. Liệu bạn sẽ bỏ mặc nó ở đó hay sẽ nhấn nó?
Hãy cùng tìm nguồn gốc của những chiếc nút to màu đỏ và nguyên nhân tại sao chúng ta luôn có xu hướng muốn nhấn chúng.
Bạn có thấy bị kích thích bởi một chiếc nút như thế này?
Chiếc nút của thời kỳ chiến tranh lạnh
Thực tế, không hề có một chiếc nút khởi động chiến tranh hạt nhân.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chiếc nút màu đỏ thường bị gán với liên tưởng: chiếc nút bắt đầu cho chiến tranh hạt nhân. Khi ai đó nhấn chiếc nút, các quả tên lửa hạt nhân bắt đầu bay. Tuy nhiên, đó chỉ là một lời đồn đại dạng truyền thuyết, không tồn tại bất kỳ một chiếc nút màu đỏ nào có nhiệm vụ như thế.
Nguồn gốc chính xác của những chiếc nút màu đỏ rất khó xác định. Tuy nhiên, có thể chắc chắn một điều, chúng dùng để ngăn chặn một tình huống nguy hiểm chứ không phải để bắt đầu. Thời kì mới xuất hiện, các nút màu đỏ thường được tích hợp trên các thiết bị nguy hiểm như một chức năng để hủy bỏ nhiệm vụ một cách khẩn cấp.
Chiếc nút trên máy tính IBM System/360 Model.
Chúng ta có thể thấy trên chiếc máy tính IBM System/360 Model những năm 1965, có một chiếc nút đỏ lớn và tách biệt hẳn ra khỏi các nút bấm khác. Chiếc nút được định nghĩa là “Emergency pull”, nghĩa là “kéo khẩn cấp”.
Theo bản hướng dẫn sử dụng, một khi bấm chiếc nút này, tất cả nguồn điện trên mỗi đơn vị hệ thống sẽ đều bị tắt ngay lập tức.
Trên các phương tiện giao thông công cộng, các nút màu đỏ thường là một hình thức của phanh khẩn cấp. Chiếc nút màu đỏ cũng thường mang nhiệm vụ là công tắc để bật hệ thống báo động, ví dụ như các nút báo cháy trong nhà máy hoặc trường học.
Nút khẩn cấp trên bảng điều khiển nhà máy hạt nhân Florida Crystal River.
Đặc biệt, trong một số nhà máy điện hạt nhân, luôn có một thứ gọi là “công tắc hãm”. Chúng được dùng để làm lạnh lò phản ứng trong trường hợp khẩn cấp nhằm ngăn chặn một thảm họa hạt nhân. Trong trường hợp này, một chiếc nút to màu đỏ là một lựa chọn không thể hợp lí hơn.
Chiếc nút đỏ trong văn học và phim ảnh
Không khó để kết luận rằng chúng ta thấy những chiếc nút màu đỏ rất nhiều trong phim ảnh, đặc biệt là phim hoạt hình. Thông thường, sẽ có một nhân vật ngớ ngẩn ấn chiếc nút màu đỏ, và một tình huống bất ngờ sẽ xảy ra. Các bộ phim hoạt hình nổi tiếng như “Wander over Yonder”, “An Adventure in Space and Time”, hay tiểu thuyết “Thief of Time” đều có những chiếc nút đỏ.
Nút đỏ là một hình tượng thường thấy trong hoạt hình.
Trong seri phim “Điệp viên 007”, các nút màu đỏ được sử dụng để kích hoạt vũ khí đặc biệt. Trong phim “Men In Black”, chiếc nút đỏ trong xe mà điệp viên K nói với J chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, nó sẽ kích hoạt động cơ không gian cực mạnh cho chiếc xe.
Cũng sẽ rất khó để xác định các nút màu đỏ đã đi vào phim ảnh hay các sản phẩm truyền thông từ khi nào. Tuy nhiên, một ví dụ tương đối sớm có thể được tìm thấy. Đó là truyện ngắn với tên gọi “Button, Button” xuất hiện trên tạp chí Playboy năm 1970 của nhà văn huyền thoại Richard Matheson. Trong câu chuyện, một cặp vợ chồng nhận được một chiếc hộp với chiếc nút bên trong, mỗi lần ấn nút, họ nhận được 50.000 USD, tuy nhiên để đổi lại, một người mà họ không quen biết sẽ chết.
Nếu rơi vào trường hợp này, bạn sẽ nhấn chiếc nút hay để nguyên nó ở đó? Và nếu có, bạn sẽ nhấn nó bao nhiêu lần? Hẳn là câu trả lời sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng chúng ta luôn có khao khát nhấn những chiếc nút to màu đỏ.
Các nhà tâm lý học nói gì?
Larry Rosen, một nhà tâm lý học đồng thời là giáo sư tại Đại học California nói “Chúng ta có xu hướng sẵn sàng nhấn bất kỳ một chiếc nút nào, có thể điều này sẽ cung cấp dopamine, một chất hóa học trong não tạo niềm vui. Hoặc ít nhất nó cũng làm giảm cortisol, một chất hóa học khác khiến chúng ta cảm thấy lo lắng”.
Đặc biệt khi chiếc nút đỏ kèm theo một lời cảnh báo “Đừng nhấn”, chúng ta càng có khao khát nhấn nó. Trong tâm lý học, điều này được giải thích bằng thuyết điện kháng. Thuyết này giải thích, khi ai đó cấm chúng ta nhấn chiếc nút đỏ, nghĩa là quyền tự do của chúng ta bị đe dọa, con người sẽ phá vỡ điều cấm để bảo vệ quyền tự do đó.
Chính vì vậy, chúng ta có xu hướng khao khát làm các điều cấm kỵ nhiều hơn là những điều không bị cấm.
Trong đời sống hàng ngày, khi chúng ta nhấn một chiếc nút, một điều gì đó chắc chắn sẽ xảy ra và điều đó hiếm khi là một thứ tiêu cực. Lấy ví dụ, chúng ta nhấn chuông cửa, chiếc cửa sẽ mở. Khi vào nhà hàng chúng ta nhấn nút để gọi phục vụ, tương tự khi gọi tiếp viên trên máy bay. Đơn giản hơn, chúng ta nhấn những chiếc nút để bật tivi, để mở cửa xe. Cuộc sống không thể thiếu đi những chiếc nút bấm.
Như vậy, con người có xu hướng nhấn nút bởi vì chúng ta nghĩ làm thế sẽ khiến chúng ta đạt được một điều gì đó. Và khi ai đó càng nói rằng đừng bấm cái nút đó, chúng ta càng khó cưỡng lại được. Đó là bản chất của con người.
Những chiếc “nút đỏ” thời đại kỹ thuật số
Một trò chơi được Reddit khởi động vào tháng 4, họ tạo một bộ đếm ngược thời gian trong vòng 60 giây với một nút bấm “reset”. Khi ai đó ở bất kể đâu trên thế giới truy cập và bấm chiếc nút này, đồng hồ lại đếm lại từ đầu. Thật ngạc nhiên, lẽ ra chỉ đếm ngược 60 giây, chiếc đồng hồ đã chạy trong vòng hơn một tháng với một triệu lần chiếc nút được nhấn.
Những chiếc "nút đỏ" thời đại kỹ thuật số.
Trò chơi của Reddit chỉ là một trong số vô vàn các ví dụ bạn có thể bắt gặp những chiếc nút đỏ của thời đại kỹ thuật số. Rất nhiều ứng dụng trên điện thoại có chứa các nút đỏ, mặc chù bạn chỉ cần chạm chúng trên màn hình cảm ứng chứ không phải nhấn nó xuống. Khao khát để chạm chiếc nút không hề giảm đi.
Hãy để ý những thông báo trên Facebook của bạn, thực chất nó cũng là một chiếc “nút đỏ”. Cứ mỗi khi có ai đó nhắn tin hoặc hiện lên một lời thông báo, bạn phải nhanh chóng nhấn và kiểm tra nó ngay lập tức.
Qua tất cả những ví dụ này, Larry Rosen kết luận rằng: Cho dù những chiếc nút đỏ là một chiếc nút vật lý hay một chiếc nút trên màn hình cảm ứng, nếu có ở trước mặt, chúng ta đều cảm thấy phải nhấn nó. Hành vi này đem lại cho chúng ta sự hài lòng và thoải mái vì vậy thật khó để cưỡng lại những chiếc nút to màu đỏ.