Vì sao ếch có màu xanh?

  •   32
  • 2.140

Trên da ếch có 3 tầng tế bào sắc tố. Chúng phối hợp với nhau để mang lại màu xanh lá đặc trưng. Những tế bào sắc tố gọi là chromatophores này nằm chồng lên nhau. Lớp dưới cùng là melanophores. Chúng chứa melanin, một sắc tố có màu nâu sẫm, đen và cũng mang lại màu da cho người.

Trên những tế bào này là iridophores. Mặc dù lớp tế bào này không hẳn tạo ra màu da, nhưng chúng phản chiếu ánh sáng trên bề mặt gồm những tinh thể trong suốt trong tế bào. Khi ánh sáng chạm vào những tế bào này, chúng tạo nên sự óng ánh ở ếch, cũng như ở các loài lưỡng cư, cá và động vật không xương sống.

(Ảnh: LiveScience)
Ở hầu hết các con ếch xanh, ánh sáng mặt trời đi xuyên qua da tới những chiếc gương nhỏ trên iridophores. Ánh sáng phản chiếu trở lại có màu xanh dương.

Ánh sáng xanh dương này đi tiếp qua lớp tế bào trên cùng gọi là xanthophores, có chứa sắc tố màu vàng. Ánh sáng khi được lọc qua lớp tế bào trên cùng này trở thành màu xanh lá trong mắt con người. Những con ếch không có xanthophores sẽ có màu xanh dương nhạt.

Rất nhiều con ếch dựa vào màu da mình để tự vệ trước kẻ săn mồi. Các lớp tế bào sắc tố này có thể thay đổi màu da của ếch từ xanh lá tươi sang nâu sẫm. Khả năng này giúp ếch ẩn mình trong môi trường xung quanh.

Hoóc môn của ếch có thể thay đổi hình dáng tế bào, di chuyển sắc tố trong tế bào và thay đổi mật độ ánh sáng đi qua chúng. Khi con ếch nhảy từ một chiếc lá xanh sang một ao tù, tế bào trong da sẽ điều chỉnh màu của con ếch để phù hợp với hoàn cảnh và giúp nó giấu mình.

M.T.

Theo LiveScience, Vnexpress
  • 32
  • 2.140