Vì sao Hà Lan luôn được coi là thiên đường của những người đi xe đạp?

  •  
  • 663

Mạng lưới đường xe đạp của Hà Lan trải dài gần 35.000 km và mỗi năm nước này chi cho cơ sở hạ tầng xe đạp khoảng 400 triệu euro.

Đối với người Hà Lan, đi xe đạp là một điều hết sức bình thường, đó là một phần của cuộc sống hàng ngày giống như đi bộ. Ngay cả thủ tướng của Hà Lan cũng đạp xe để đi làm. Trong năm thập kỷ qua, Chính phủ và người dân Hà Lan đã siêng năng tạo ra cơ sở hạ tầng và văn hóa, đại tu mạng lưới đường sá, bãi đậu xe và luật giao thông để tạo điều kiện cho việc di chuyển bằng xe đạp.

Mặc dù trong những năm 1920 và một phần của những năm 1930, người Hà Lan chủ yếu sử dụng xe đạp, nhưng sau hai cuộc chiến tranh thế giới, mọi thứ đã thay đổi chóng mặt. Tỷ lệ sở hữu ô tô tăng lên gấp nhiều lần khi chi phí sản xuất giảm, giống như trường hợp của phần lớn các quốc gia phát triển. Đến những năm 70, cứ 5 cư dân thì có ít nhất một chiếc ô tô.

Sự gia tăng cơ giới hóa này đi kèm với một cái giá phải trả. Năm 1971, hơn 3.000 người thiệt mạng do xe cơ giới, trong đó có 500 trẻ em. Một trong những đứa trẻ này là con gái của nhà báo Vic Langenhoff, người đã viết tác phẩm “Stop de Kindermoord” (“Chấm dứt việc giết trẻ em”), làm dấy lên những cuộc biểu tình rầm rộ của công chúng chống lại tai nạn giao thông.

Đối với người Hà Lan, xe đạp là một phần của cuộc sống hàng ngày giống như đi bộ. 
Đối với người Hà Lan, xe đạp là một phần của cuộc sống hàng ngày giống như đi bộ.

Maartje van Putten, người sau này trở thành MEP, là chủ tịch của cuộc biểu tình và là người có công trong việc mang lại những thay đổi trong chính sách giao thông để khuyến khích đi xe đạp như một cách đi làm thông thường. Quyết tâm của Putten cùng các nhà hoạt động cộng đồng và những người đam mê xe đạp đã dẫn đến những thay đổi về chính sách công.

Đầu tiên, có những ngày chủ nhật cấm ô tô bắt buộc. Sau đó, đã có sự cải thiện trong quy hoạch đô thị và luật để khuyến khích đi xe đạp bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng dễ tiếp cận và các biện pháp an toàn đường bộ ưu tiên người đi xe đạp.

Hà Lan có 17 triệu dân và 23 triệu chiếc xe đạp

Với hơn 36% dân số sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông chính, tính trung bình, số km mà người Hà Lan di chuyển bằng xe đạp mỗi năm tương đương với việc di chuyển bằng tàu hỏa. Chỉ 45% sử dụng ô tô và 11% còn lại sử dụng phương tiện công cộng. Việc sử dụng xe đạp thậm chí còn cao hơn ở các thành phố như Groningen là 58%, Zwolle là 46% và Amsterdam là 38%.

Giống như hầu hết các quốc gia châu Âu, mạng lưới đường sá của Hà Lan tương đối chật chội, khiến việc đi lại bằng xe đạp trở nên dễ dàng hơn nhiều so với ô tô. Địa hình của quốc gia này cũng tương đối bằng phẳng và điều này cũng giúp việc đạp xe trở nên dễ dàng.

Một bãi đỗ xe đạp ở Hà Lan.
Một bãi đỗ xe đạp ở Hà Lan.

Cơ sở hạ tầng đi xe đạp toàn diện nhất thế giới

Mạng lưới giao thông của Hà Lan có cơ sở hạ tầng đi xe đạp toàn diện. Trong tổng mạng lưới đường bộ dài 139.000km, đường dành riêng cho xe đạp chiếm 35.000km. Đường cho xe đạp thường được làm bằng nhựa đường nhuộm đỏ, được chiếu sáng tốt và có biển chỉ dẫn rõ ràng. Chúng được phân tách bằng đường đứt nét để cho biết ô tô có thể sử dụng làn đường này hoặc đường liền nét để cho biết chỉ xe đạp được phép đi.

Trong khi các đường dành cho xe đạp ở nhiều quốc gia gây khó khăn cho người đi xe đạp tại các giao lộ và bùng binh, thì Hà Lan lại ưu tiên xe đạp hơn các phương tiện cơ giới. Có làn đường riêng cho họ và đèn giao thông dành riêng cho người đi xe đạp.

Hà Lan lại ưu tiên xe đạp hơn các phương tiện cơ giới.
Hà Lan lại ưu tiên xe đạp hơn các phương tiện cơ giới.

Người Hà Lan thường coi ô tô là "con ghẻ" trên đường và một số luật giao thông đã được thông qua để ngăn cản việc sử dụng chúng. Ví dụ: trong những không gian có cả ô tô và xe đạp di chuyển, giới hạn tốc độ dành cho ô tô là 30 km/h và có gờ giảm tốc ở những nơi cần thiết. Một hệ quả thú vị của việc này là người đi xe đạp không bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm vì chính phủ tập trung vào việc xây dựng các đường phố an toàn. Đường có giới hạn tốc độ 50 km/h sẽ có đường dành cho xe đạp nâng cao và đường cao tốc có đường song song riêng biệt.

Những người đi du lịch đường dài cũng có thể mang xe đạp của họ lên tàu hỏa, phà và thậm chí cả máy bay, còn trên xe buýt thường sẽ yêu cầu xe đạp phải có thể gập lại được. Các bậc cha mẹ thường sử dụng “bakfiets” hoặc “xe đạp chở hàng” được trang bị ghế ngồi cho trẻ em và mái che để đưa con mình đi học, đi chơi.

Cha mẹ thường sử dụng “bakfiets” hoặc “xe đạp chở hàng” được trang bị ghế ngồi cho trẻ em
Cha mẹ thường sử dụng “bakfiets” hoặc “xe đạp chở hàng” được trang bị ghế ngồi cho trẻ em

Thành phố Utrecht của Hà Lan là nơi có bãi đậu xe đạp lớn nhất thế giới với ba tầng không gian ngầm. Nằm gần Ga Trung tâm Utrecht, gara có thể chứa hơn 12.599 chiếc xe đạp. Vào năm 2022, thành phố Amsterdam đã hoàn thành dự án kéo dài 4 năm trị giá 65 triệu đô la nhằm khuyến khích việc đi xe đạp bằng cách xây dựng một nhà để xe dưới nước. Tọa lạc tại ga trung tâm Amsterdam, nhà để xe mới có thể chứa 7.000 chiếc xe đạp và sẽ được mở rộng để chứa 11.000 chiếc xe đạp.

Theo một nghiên cứu năm 2015, hàng năm có khoảng 6.500 ca tử vong được ngăn chặn nhờ những lợi ích sức khỏe của việc đi xe đạp. Vì hoạt động thể chất thường xuyên làm giảm nguy cơ mắc các bệnh do lối sống ít vận động như bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao, tuổi thọ của người Hà Lan đã tăng thêm 6 tháng. Tỷ lệ tử vong giảm cũng tiết kiệm cho quốc gia 20 tỷ đô la hàng năm về lợi ích kinh tế y tế.

Cập nhật: 02/05/2023 PNVN
  • 663