Câu trả lời ngắn gọn là trọng lực của Mặt trăng kéo nước ở các đại dương trên Trái đất về phía nó. Mặc dù Mặt trăng ở rất xa nhưng nó đủ lớn để trọng lực của nó hút được nước trên Trái đất.
Trước khi tìm hiểu kĩ thêm làm sao Mặt trăng ảnh hưởng được đến thủy triều, chúng ta hãy xem thủy triều là gì nhé.
Thủy triều là mực nước dâng lên rồi hạ xuống trên các đại dương (và hồ, và thậm chí là cả trong cốc nước của bạn, nhưng mà rất rất nhỏ nên bạn không nhìn thấy).
Khi mực nước biển dâng đến mức cao nhất, chúng ta gọi đó là triều lên, và khi nó hạ xuống mức thấp nhất, chúng ta gọi là triều xuống.
Mỗi đợt triều lên và xuống được gọi là một chu trình thủy triều. Nếu có một lần triều lên và một lần triều xuống trong một ngày, thì đó được gọi là chu trình nhật triều. Nếu có hai lần triều lên và hai lần triều xuống trong một ngày thì gọi là chu trình bán nhật triều.
Mặt trăng có ảnh hưởng lớn nhất không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến thủy triều. Mặt trời và Trái đất cũng làm ảnh hưởng đến thủy triều. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trước hết về ảnh hưởng của Mặt trăng.
Mặt trăng ảnh hưởng đến thủy triều là do trọng lực của nó. Bạn sẽ thấy mỗi khi bạn nhảy lên thì lại rơi xuống đất. Đó là vì trọng lực của Trái đất kéo bạn xuống.
Trái đất tự xoay quanh mình làm cho triều lên xuất hiện ở phía ngược lại của Trái đất so với Mặt trăng.
Mặt trăng cũng có trọng lực của nó và trọng lực của Mặt trăng kéo nước trên Trái đất (và kéo cả chúng ta nữa) về phía nó. Nhưng lực hút của Mặt trăng kéo chúng ta yếu hơn lực hút của Trái đất nên chúng ta không chú ý, còn với các đại dương thì dễ nhận biết hơn. Nước bị hút về phía Mặt trăng gây ra triều lên ở phía Trái đất quay về Mặt trăng.
Nếu Mặt trăng gây ra triều lên trên ở một phía của Trái đất thì cái gì gây ra triều lên ở phía bên kia?
Trái đất tự quay quanh trục của mình, vì thế mà chúng ta có ngày và đêm. Trái đất quay quanh trục có nghĩa là triều lên xảy ra ở phía khuất của Trái đất so với Mặt trăng.
Hai đợt triều lên này gây ra hai lần triều xuống.
Giống như Mặt trăng và Trái đất, Mặt trời cũng có trọng lực của nó và ảnh hưởng đến thủy triều. Mặc dù Mặt trời lớn hơn nhiều so với Mặt trăng và có trọng lực lớn hơn nhưng nó lại ở quá xa cho nên lực kéo của nó đối với nước biển trên Trái đất chỉ bằng gần ½ lực kéo của Mặt trăng.
Mặc dù vậy, nó vẫn có tác động. Khi Mặt trời và Mặt trăng thẳng hàng với Trái đất (tức là vào kì trăng tròn và kì trăng non) thì trọng lực của chúng kết hợp với nhau gây ra triều lên rất cao và triều xuống cũng rất sâu.
Khi Mặt trời và Mặt trăng vuông góc với nhau (vào kì trăng khuyết và trăng đang dần tròn) thì mặt trời làm giảm bớt sức hút của Mặt trăng, cho nên triều lên bớt cao và triều xuống cũng bớt thấp hơn.
Như vậy Mặt trăng ảnh hưởng đến thủy triều là do trọng lực, nhưng trọng lực của mặt trời và việc Trái đất tự xoay cũng tác động đến mức độ thủy triều.