Vì sao Mặt trời chuyển sang màu xanh?

  •  
  • 510

Những người quan sát bầu trời trên khắp nước Anh đã bị sốc khi phát hiện thấy Mặt trời bất chợt chuyển sang màu xanh trong ngày cuối cùng của tháng 9.

Những bức ảnh về hiện tượng kỳ lạ này đã tràn ngập trên mạng xã hội Twitter, kèm theo nhiều dòng trạng thái cho thấy sự bối rối, khó hiểu. "Chúa ơi, trước đây tôi chưa bao giờ nhìn thấy Mặt trời xanh", một bình luận cho biết.

Rất may, sắc thái bất thường này của Mặt trời kỳ thực lại không có gì đáng lo ngại. Các nhà khoa học đã nhanh chóng làm rõ điều này bằng cách đưa ra một lời giải thích đơn giản.

Theo Dan Harris, Phó giám đốc dự báo khí tượng tại Met, khu vực miền Tây nước Anh hiện đang chịu ảnh hưởng do khói từ các vụ cháy rừng ở Canada. "Sự kết hợp giữa khói và mây ở tầng cao trong bầu khí quyển đã phân tán ánh sáng Mặt trời, tạo ra sự thay đổi màu sắc bất thường", Harris lý giải.

 Mặt trời chuyển sang màu xanh ngày 30/9 tại một số nơi ở Anh.
Mặt trời chuyển sang màu xanh ngày 30/9 tại một số nơi ở Anh. (Ảnh: Chris Page).

Màu sắc bất thường của Mặt trời đến từ hiện tượng khuếch tán ánh sáng, do bụi, khói...
Màu sắc bất thường của Mặt trời đến từ hiện tượng khuếch tán ánh sáng, do bụi, khói trong bầu khí quyển. (Ảnh: Ruth Wadey).

NASA cũng giải thích với lý do tương tự, khi cho rằng màu sắc bất thường của Mặt trời đến từ hiện tượng khuếch tán ánh sáng, kéo dài từ Bắc Mỹ qua Đại Tây Dương do ảnh hưởng của cháy rừng và bão Agnes.

Khi hướng về Trái đất, ánh sáng Mặt trời phân tán một cách tự nhiên qua các hạt trong không khí, chẳng hạn như bụi và khói.

Trong đó, bước sóng càng ngắn thì ánh sáng càng dễ bị tán xạ. Màu tím là bước sóng ngắn nhất, khoảng 380 nanomet và màu đỏ có bước sóng dài nhất, khoảng 700 nanomet.

Màu sắc có thể quan sát thấy được của bầu trời tương tự với hỗn hợp của màu xanh lam đơn sắc (ở bước sóng 474-476 nm) trộn với ánh sáng trắng, tức là ánh sáng xanh lam không bão hòa. Điều này giải thích vì sao bầu trời có màu xanh.

Vậy, màu sắc thực sự của Mặt trời là gì?

Trẻ nhỏ, và thậm chí cả người lớn thường minh họa Mặt trời có màu vàng hoặc cam. Nhưng các chuyên gia cho rằng đó không phải là màu thực sự của Mặt trời. Trên thực tế, màu sắc của một ngôi sao phụ thuộc vào nhiệt độ bề mặt của chúng và bước sóng ánh sáng mà mắt người có thể cảm nhận được.

Theo Science Times, Mặt trời phát ra ánh sáng trên toàn bộ phạm vi bước sóng, bao gồm tất cả các vùng của phổ điện từ, ngoại trừ tia gamma. Trong trường hợp quang phổ đạt cực đại, Mặt trời ở bước sóng cao nhất được mô tả là sẽ có màu xanh lục.

Tuy nhiên, trên phạm vi hẹp của quang phổ khả kiến, lượng ánh sáng phát ra ở mỗi bước sóng gần như giống hệt nhau. Và mắt người không cảm nhận được ánh sáng bằng cách lấy trung bình các màu khác nhau của quang phổ. Do đó, một lượng ánh sáng với màu xanh lục rất nhỏ sẽ trông như màu trắng trong mắt người.

Thế nhưng nếu màu thực sự của Mặt trời là trắng, thì tại sao nó thường có màu vàng khi quan sát từ Trái đất?

Điều này là do bầu khí quyển của Trái đất tán xạ ánh sáng xanh hiệu quả hơn ánh sáng đỏ. Sự thiếu hụt nhẹ của ánh sáng xanh chính là tác nhân khiến cho mắt người quan sát thấy Mặt trời có màu vàng.

Cập nhật: 03/10/2023 Dân Trí
  • 510