Vì sao miền Bắc mưa lớn suốt những ngày qua?

  •  
  • 121

Miền Bắc chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp hội tụ gió khiến mưa lớn liên tục nhiều ngày. Cùng lúc, Nam Bộ tiếp diễn mưa dông, sau khi xác lập nhiều kỷ lục về lượng mưa trong tháng 7.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết trong ngày 5/8, Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục hứng lượng mưa vừa, mưa to dao động 30-60mm. Một số nơi có thể mưa lớn trên 100mm/ngày. Riêng khu vực biên giới đông bắc có thể ghi nhận lượng mưa trên 120mm.

Đây là ngày thứ 8 của đợt mưa lớn diện rộng tại miền Bắc (bắt đầu từ ngày 29/7). Mưa cũng mở rộng ra khu vực từ Nghệ An, Hà Tĩnh nhưng lượng nhỏ hơn, phổ biến 10-30mm.

Đêm 5-6/8, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to; những nơi khác ở miền Bắc xuất hiện mưa rào kèm dông rải rác. Mưa tập trung về chiều và đêm.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết nguyên nhân miền Bắc hứng đợt mưa lớn suốt những ngày qua là khu vực chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp, kết hợp hội tụ gió trên cao khiến độ ẩm liên tục được cung cấp xuống.

Trận mưa lớn sáng 4/8 khiến một lượng lớn bùn đất tràn xuống tuyến đường dân sinh
Trận mưa lớn sáng 4/8 khiến một lượng lớn bùn đất tràn xuống tuyến đường dân sinh tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội. (Ảnh: Trần Thanh).

Những ngày tới, rãnh áp thấp đi qua khu vực Bắc Bộ vẫn còn hoạt động, đồng thời một vùng xoáy thấp khác đang mạnh lên ở khu vực biên giới Đông Bắc. Hình thái này duy trì hoạt động trong các ngày 5-8/8 rồi dần di chuyển về phía tây. Đây là nguyên nhân khiến mưa lớn ở Bắc Bộ tiếp diễn đến khoảng ngày 8/8 mới chấm dứt.

Ông Tuấn cho biết từ nay đến ngày 8/8, trọng tâm mưa lớn vẫn nằm ở khu vực Tây Bắc Bộ và biên giới phía bắc. Nhiều nơi ở miền Bắc tiếp tục xảy ra mưa to trên diện rộng. Lượng mưa có thể tương tự những ngày qua nên gây nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đối với khu vực vùng núi.

Ngoài ra trong ngày 5-7/8, hoạt động của vùng xoáy thấp có thể gây ra hiện tượng dông lốc và gió giật mạnh ở nhiều địa phương. Đồng thời, chuyên gia cảnh báo mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn có thể gây ngập úng tại các khu vực đô thị.

Mưa lớn ở Tây Nguyên và Nam Bộ do ảnh hưởng của El Nino?

Đánh giá về thời tiết Tây Nguyên và Nam Bộ những ngày qua, ông Vũ Anh Tuấn cho biết hai khu vực đã ghi nhận lượng mưa lớn trong tháng 7 và hiện tượng này còn tiếp diễn những ngày tới. Nguyên nhân trực tiếp là hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới trên khu vực Biển Đông kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh.

"Nguyên nhân thứ hai là do ảnh hưởng của El Nino. Tuy nhiên, đây là hiện tượng thời tiết lớn và thời gian ảnh hưởng của nó thường có độ trễ khoảng 2-3 tháng. Do đó, đây chỉ là nguyên nhân gián tiếp gây mưa lớn cho Tây Nguyên và Nam Bộ thời gian qua", ông Tuấn nhận định.

Chuyên gia dự báo do đang trong giai đoạn mùa mưa, Tây Nguyên và Nam Bộ còn có nhiều ngày mưa rào kèm dông trong thời gian tới, tập trung về chiều và tối. Tổng lượng mưa ở khu vực trong nửa đầu tháng 8 thấp hơn so với nửa cuối tháng.

Còn đối với các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, khu vực vẫn có những ngày nắng xen kẽ những đợt mưa trong tháng 8. Trong khi đó, Trung Bộ tiếp tục nắng nóng đến khoảng giữa tháng, sau đó nền nhiệt có dấu hiệu giảm dần.

Nhiều nơi ở Tây Nguyên và Nam Bộ ghi nhận mưa lớn lịch sử trong tháng 7

Theo tổng hợp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 7, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm 50-100%, tức là gấp 1,5-2 lần so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, ngày 29/7, Nam Bộ có 4 điểm ghi nhận lượng mưa vượt giá trị lịch sử là: Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu), TP Cần Thơ, Vị Thanh (Hậu Giang) và Rạch Giá (Kiên Giang).

Về tổng lượng mưa tháng 7, Tây Nguyên có điểm quan trắc ở Đắk Tô (Kon Tum) ghi nhận vượt giá trị lịch sử; trong khi Nam Bộ có đến 8 điểm, thuộc các địa phương: Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Riêng Nam Trung Bộ có khu vực Phú Quý (Bình Thuận) hứng tổng lượng mưa trong tháng lên tới 364mm, vượt kỷ lục được xác lập trước đó vào năm 1991.

Nơi mưa nhiều nhất cả nước trong tháng 7 là Phước Long (Bình Phước) khi ghi nhận vũ lượng lên tới gần 950mm/tháng, vượt xa giá trị lịch sử trước đó (771mm) ghi nhận vào tháng 7/1997.

Cập nhật: 07/08/2023 Dân Trí
  • 121