Vì sao não bộ chúng ta thích giải quyết vấn đề bằng cách “thêm” chứ không phải “bớt”?

  •  
  • 984

Bạn đã bao giờ nhận thấy chúng ta thường thử nghiệm và giải quyết vấn đề bằng cách "thêm" nhiều hơn thay vì "bớt" đi? Tạo ra nhiều cuộc họp hơn, nhiều biểu mẫu hơn, nhiều nút bấm hơn, nhiều kệ để đồ hơn, nhiều hệ thống hơn, nhiều mã lập trình hơn, v.v... Giờ đây, các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân đằng sau xu hướng này.

Một nghiên cứu được thực hiện trên 1.585 người qua 8 thí nghiệm khác nhau cho thấy não bộ của chúng ta có xu hướng mặc định là sử dụng phép cộng hơn là phép trừ khi cần tìm một giải pháp - trong nhiều trường hợp, có vẻ như chúng ta không cân nhắc chiến lược "bỏ bớt" đi thứ gì cả.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sự ưu tiên cho việc "thêm" trở nên rõ ràng hơn trong ba trường hợp cụ thể: (i) khi mọi người phải chịu áp lực nhận thức một khối lượng thông tin lớn hơn để giải quyết vấn đề, (ii) khi có ít thời gian hơn để cân nhắc các lựa chọn khác và (iii) khi các tình nguyện viên không được các nhà nghiên cứu "nhắc" rằng họ có thể sử dụng giải pháp "loại bớt" đi một điều gì đó.

Não bộ của chúng ta có xu hướng mặc định là sử dụng phép cộng hơn là phép trừ
Não bộ của chúng ta có xu hướng mặc định là sử dụng phép cộng hơn là phép trừ.

"Điều này xảy ra trong lĩnh vực thiết kế kỹ thuật, vốn là mối quan tâm chính của tôi", Kỹ sư Leidy Klotz, Đại học Virginia cho biết. "Nhưng hiện tượng này cũng có thể xảy ra trong lĩnh vực sáng tác, viết lách, nấu ăn, và mọi thứ khác - bạn hãy thử nghĩ về công việc của chính bạn và bạn có thể sẽ nhận thấy xu hướng đó".

"Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu chúng ta thường sẽ là, chúng ta có thể bổ sung cái gì để làm cho tình hình tốt hơn? Bài nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, con người thường "thêm thắt" các thứ vào, ngay cả khi sự bổ sung đó mang lại những hậu quả tiêu cực, và ngay cả khi giải pháp đúng đắn duy nhất là phải "bỏ bớt đi". Ngay cả khi có sự khuyến khích bằng lợi ích tài chính, chúng ta vẫn thường không nghĩ đến giải pháp "loại trừ" đi".

Trong một trong những thử nghiệm, những người tham gia được yêu cầu cải tiến cấu trúc của bộ trò chơi lắp ghép lego để nó có thể chịu được nhiều trọng lượng hơn. Một nửa số tình nguyện viên được nhắc trước rằng họ có thể thử thêm hoặc bớt mảnh ghép để tìm ra câu trả lời cuối cùng, và một nửa còn lại thì không.

Trong nhóm nhận được lời nhắc này, thì có 61% đã giải quyết vấn đề bằng cách bỏ đi một mảnh ghép - đó là cách ổn định cấu trúc nhanh hơn và hiệu quả hơn nhiều. Trong nhóm không nhận được lời nhắc, chỉ có 41% áp dụng phương pháp loại bỏ mảnh ghép hình.

Trong một thử nghiệm khác, những người tham gia được yêu cầu tạo một lưới các ô vuông màu trên màn hình máy tính đối xứng với càng ít lần nhấp chuột càng tốt, đồng thời lưu ý đến bất kỳ số 5 nào xuất hiện trên đó - một tình huống suy nghĩ và thao tác đa nhiệm được thiết kế để tăng cường lượng thông tin (lượng tải) cần nhận thức.

Mặc dù việc loại bỏ một số ô vuông là cách nhanh nhất để đạt được mục tiêu, nhưng trước lượng tải nhận thức được tăng cường thêm này, những người tham gia thường có xu hướng bắt đầu việc giải bài toán bằng cách bổ sung thêm các ô vuông màu mới.

Nhà tâm lý học Benjamin Converse, công tác tại Đại học Virginia cho biết: "Những ý tưởng cộng, bổ sung thường xuất hiện trong đầu nhanh chóng và dễ dàng, nhưng những ý tưởng trừ, loại bỏ thường sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực nhận thức hơn. Bởi vì mọi người thường cố giải quyết công việc nhanh nhanh và phát triển ngay ý tưởng đầu tiên nảy ra trong đầu, họ cuối cùng chấp nhận các giải pháp "cộng" mà không nghĩ đến phép "trừ" nào cả".

Các nhà nghiên cứu có đưa ra một số giả thiết về nguyên nhân của hiện tượng này. Có thể việc xử lý những tác vụ "bổ sung", "cộng" dễ dàng hơn với não bộ của chúng ta. Hoặc từ trong tiềm thức của chúng ta, chúng ta đã hay gắn sự "bổ sung" với những thứ lớn hơn và do đó cũng tốt hơn.

Cũng có thể trong nhận thức của chúng ta mặc định có quan niệm cho rằng mọi thứ cần phải được duy trì càng lâu càng tốt - và việc loại bỏ đi một thứ sẽ luôn gây tác hại nhiều hơn so với bổ sung thêm những thứ mới vào.

Ngoài những khối lego và những thực nghiệm "đánh lừa" não bộ kể trên, các nhà nghiên cứu cho rằng công trình của họ còn có nhiều tác dụng khác ở quy mô rộng hơn: ví dụ như đối với các tổ chức đang tìm cách sắp xếp hợp lý công việc kinh doanh và ngay cả đối với toàn thể loài người đang tìm cách quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên của hành tinh.

"Mọi người càng dựa vào các chiến lược "bổ sung", "cộng", thì họ càng dễ dàng tiếp cận với tri thức và các yếu tố nhận thức hơn", Gabrielle Adams, nhà tâm lý học công tác tại Đại học Virginia, cho biết.

"Qua thời gian, thói quen tìm kiếm các ý tưởng "cộng gộp", "bổ sung" sẽ càng trở nên mạnh mẽ và sâu sắc hơn, và về lâu dài, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội cải thiện thế giới hơn bằng phương pháp loại trừ".

Nghiên cứu trên được xuất bản trên tạp chí Nature.

Cập nhật: 15/04/2021 Theo VnReview
  • 984