Vì sao nhiều người cho rằng phi hành gia Mỹ đặt chân lên Mặt trăng là giả mạo?

  •   4,56
  • 6.458

400.000 nhân viên và các cộng sự của NASA đã phải làm việc hết sức vất vả đưa tạo nên bước chân lịch sử của Neil ArmstrongBuzz Aldrin trên Mặt trăng, nhưng mọi chuyện bắt đầu khi có một người Mỹ tên Bill Kaysing tin đây là màn lừa bịp.

Theo Guardian, Bill Kaysing, một cựu binh Hải quân Mỹ, là người đầu tiên nhắc đến khả năng này trong cuốn sách “We Never Went to the Moon: America's Thirty Billion Dollar Swindle” (tạm dịch: Chúng ta chưa từng đến Mặt Trăng: Trò bịp 30 tỉ đô của Mỹ).

Phi hành gia Mỹ đã làm nên lịch sử khi đặt chân xuống bề mặt Mặt Trăng vào năm 1969.
Phi hành gia Mỹ đã làm nên lịch sử khi đặt chân xuống bề mặt Mặt Trăng vào năm 1969.

Kaysing không phải là tay mơ, ông từng tham gia vào chương trình vũ trụ của Mỹ, trong giai đoạn năm 1956-1963. Kaysing khi đó làm việc cho một công ty giúp thiết kế ra động cơ tên lửa Saturn V. Cựu binh Hải quân Mỹ cho rằng, Washington khi đó không có đủ công nghệ và kỹ thuật để đưa người lên Mặt trăng rồi trở lại. Ông nói xác suất để NASA đưa con người lên Mặt Trăng thành công chỉ khoảng… 0.0017%.

Mặc dù hai phi hành gia Mỹ trở về với những bằng chứng rõ ràng, bao gồm 382kg đá Mặt trăng và các bức ảnh thực tế, cho đến nay, vẫn còn nhiều người tin rằng Mỹ chưa từng thực hiện sứ mệnh đưa người đặt chân lên Mặt trăng.

Kaysing và nhiều người khác đều đặt dấu hỏi về sự vắng bóng của các vì sao trong tất cả ảnh chụp của chuyến du hành. Các thành viên trên tàu vũ trụ Apollo 11 khi trở về cũng nói rằng họ không nhìn thấy ngôi sao nào khi đáp xuống Mặt trăng.

Kaysing là người đầu tiên khơi mào giả thuyết NASA chưa từng đưa người lên Mặt trăng.
Kaysing là người đầu tiên khơi mào giả thuyết NASA chưa từng đưa người lên Mặt trăng.

Một dấu hỏi khác được đặt ra vì chất lượng ảnh quá cao và theo như các quan điểm trên, có dấu hiệu cắt ghép. Tỷ lệ giữa các chủ thể (phi hành gia, lá cờ, tàu không gian…) không hợp lý, lá cờ bay "không thật" hay tại sao một chuyến đáp như thế không khiến đất cát tung mù trong không trung.

Ngoài ra, nhiều góc máy dường như có cùng một ngoại cảnh, trong khi các phi hành gia đã chụp ở những địa điểm cách nhau hàng dặm.

Cho đến khi qua đời vào năm 2005, Kaysing vẫn bảo vệ quan điểm cho rằng tất cả chỉ là màn dàn dựng của NASA, ghi lại ở trong phim trường. “Các bộ phim tài liệu của NASA trước đó đều có chất lượng thấp”, Kaysing nói năm 1994. “Đến năm 1969, chúng ta đột nhiên có những bức ảnh với độ phân giải cao, một chuyến bay đưa người đến Mặt trăng và quay về thành công. Mọi thứ thật kỳ lạ”.

Bức ảnh với độ phân giải cao, lá cờ vẫy trên Mặt trăng là một vài trong số những chi tiết bị đặt dấu hỏi.
Bức ảnh với độ phân giải cao, lá cờ vẫy trên Mặt trăng là một vài trong số những chi tiết bị đặt dấu hỏi.

Kaysing ít ra đã đúng một điều. Đó là khi Liên Xô phóng tàu Sputnik 1 lên quỹ đạo vào tháng 10.1957, chương trình vũ trụ của Mỹ còn chưa ra đời. NASA được thành lập năm 1958 và phi hành gia Alan Shepard lần đầu bay vào vũ trụ năm 1961.

Đến giữa những năm 1960, NASA tiêu tốn tới 4% GDP của Mỹ mỗi năm, trong khi Liên Xô vẫn không ngừng gây tiếng vang, như lần đầu tiên đưa phụ nữ vào vũ trụ (1963) hay như lần đầu tiên có phi hành gia bước ra ngoài tàu vũ trụ (1965).

Đó là áp lực khiến NASA phải thành công trong sứ mệnh đưa người lên Mặt trăng. Điều mà Liên Xô chưa từng làm được.

Tuy vậy, giáo sư James Longuski, chuyên ngành Hàng không Vũ trụ của đại học Purdue, nói việc che giấu một sự thật như thế gần như là không thể. NASA sẽ phải bịt miệng hơn 400.000 người làm việc cho dự án Apollo kéo dài suốt 10 năm, bao gồm các nhà khoa học, phi hành gia, kỹ thuật viên, cho đến nhân viên và công nhân.

Cho đến nay, chưa một ai trong số 400.000 người này lên tiếng khẳng định màn hạ cánh trên Mặt trăng của phi hành gia Mỹ là giả mạo.

Cập nhật: 13/07/2019 Theo Dân Việt
  • 4,56
  • 6.458