Vì sao nòng súng có rãnh xoắn?

  •  
  • 2.066

Nòng súng của tất các cả loại súng, từ súng trường, súng máy, súng lục… cho tới pháo, lựu đạn, pháo xe tăng… đều có hoa văn xoắn ốc cực đều bên trong. Chi tiết này chỉ để cho đẹp hay còn có tác dụng gì khác, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

Nếu ai từng chơi đánh quay hay đánh cù thì đều biết rằng, khi nào con quay vẫn còn quay đủ nhanh thì nó sẽ còn đứng vững trên mặt đất. Và viên đạn cũng vậy, khi nào vẫn còn quay thì nó còn bay thẳng.

Ngày xưa, do chưa có đủ công nghệ để kiểm soát được sự xoay tròn của viên đạn nên chúng chỉ là những quả cầu sắt mà thôi. Nhưng điều đó khiến cho những viên đạn tròn này không thể đạt được vận tốc quá cao do khó rẽ khí (hiệu suất khí động học thấp) và độ chính xác thấp.

Nòng súng có hoa văn xoắn ốc cực đều bên trong

Để tăng sức xuyên phá cho súng, người ta đã tạo ra một viên đạn đối xứng tỏa tròn và một dạng nòng súng có các rãnh xoắn gọi là khương tuyến bên trong có thể giúp viên đạn giữ được chiều của nó khi rời nòng. Đó chính là loại đầu đạn và nòng súng ngày nay.

Về nguyên lý khi đầu đạn đi trong nòng súng, các rãnh khương tuyến sẽ cắt vào và định hướng viên đạn xoay theo chiều xoắn của nó, giúp viên đạn đạt tốc độ xoay cực kỳ lớn, từ vài trăm đến vài nghìn vòng mỗi giây. Điều này giúp viên đạn có động lượng quay rất lớn và giữ cho chiều của viên đạn song song với hướng bắn.

Tuy nhiên chỉ có viên đạn bay trong môi trường không trọng lực mới bay thẳng. Còn trong môi trường thực tế, viên đạn sẽ luôn có độ rơi nhất định theo trọng lực và bị ảnh hưởng bởi sức gió, khương tuyến chỉ giúp đường đạn ổn định hơn mà thôi.

Rãnh viên đạn

Vết hằn trên đầu đạn

Mỗi nòng súng sẽ có một kiểu khương tuyến khác nhau, nên vết hằn trên đầu đạn cũng khác nhau. Dựa vào dấu vết này, người ta có thể phán đoán loại súng nào đã bắn ra một đầu đạn, dù nó đã bị vỡ hoặc là loại đạn được chế tác đặc biệt.

Để giúp ổn định đường đạn, các loại súng hiện đại ngày này đều có các rãnh khương tuyến trong nòng súng. Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ sử dụng nòng trơn. Ví dụ như pháo chính các loại xe tăng hiện đại có nòng trơn để giảm ma sát, tăng sơ tốc đạn (tốc độ của viên đạn khi rời nòng) đến mức cao nhất có thể để tăng sức công phá của viên đạn. Để ổn định đường đạn, các loại đạn này được thiết kế thêm cánh đuôi như một quả tên lửa.

Cập nhật: 20/08/2020 Theo QTM
  • 2.066