Vì sao phụ nữ thường dễ bị trầm cảm và rối loạn ăn uống hơn đàn ông?

  •  
  • 546

Theo một nghiên cứu mới, nhiều khu vực bộ não của phụ nữ hoạt động tích cực hơn của đàn ông, và đây là lý do tại sao phái yếu thường dễ bị lo lắng, trầm cảm, mất ngủ và rối loạn ăn uống.

Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học ở Phòng khám Amen tại California và đây là cuộc khảo sát hình ảnh não bộ lớn nhất được tiến hành cho đến nay. Các nhà khoa học đã thu thập hơn 46.000 hình ảnh scan não bộ của 9 phòng khám và tiến hành so sánh cũng như phân tích sự khác biệt giữa bộ não của nam giới và nữ giới. Kết quả cho thấy, ở phụ nữ lưu lượng máu trong các vùng màu đỏ khi quét não có sự gia tăng, trong khi ở nam giới lưu lượng máu lại cao hơn ở những vùng màu xanh da trời.

Hiểu được những sự khác biệt này rất quan trọng vì nó làm sáng tỏ cách mà những rối loạn của bộ não ảnh hưởng đến đàn ông và phụ nữ, ở hai giới những rối loạn này diễn ra hoàn toàn khác nhau, các nhà nghiên cứu cho biết. Ví dụ, phụ nữ có nhiều khả năng bị chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer, chứng trầm cảm và rối loạn lo âu nhiều hơn; trong khi đàn ông lại có tỷ lệ cao trong việc mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và rối loạn liên quan đến hành vi.

Phụ nữ có bộ não hoạt động tốt hơn đàn ông
Phụ nữ có bộ não hoạt động tốt hơn đàn ông. (Ảnh: De Repente).

Nghiên cứu nhận thấy não bộ của phụ nữ hoạt động mạnh ở nhiều khu vực hơn nam giới, đặc biệt ở vùng vỏ não trước trán có liên quan đến việc tập trung và kiểm soát xung lực. Một vùng nữa là khu vực limbic và cảm xúc ảnh hưởng đến tâm trạng và sự lo lắng. Tuy nhiên, các trung tâm của bộ não liên quan đến trực quan và phối hợp thì hoạt động tích cực hơn ở nam giới.

Tác giả chính của nghiên cứu Daniel G. Amen là một nhà tâm lý học và cũng là người sáng lập của Phòng khám Amen. Ông cho biết: "Đây là một nghiên cứu rất quan trọng để khoa học có cái nhìn rõ ràng về những khác biệt của bộ não dựa trên giới tính. Những khác biệt định lượng của nam và nữ mà chúng tôi xác định được qua nghiên cứu là cực kì cần thiết để hiểu được những rủi ro về rối loạn chức năng não dựa trên giới tính, chẳng hạn như bệnh Alzheimer".

Các nhà nghiên cứu đã quét não 119 tình nguyện viên khỏe mạnh và 26.683 bệnh nhân đang chịu đựng những tình trạng liên quan đến tâm thần như chấn thương não, lưỡng cực, rối loạn tâm trạng, tâm thần phân liệt, những rối loạn tâm thần khác và ADHD. Khi những người tham gia thí nghiệm nghỉ ngơi hay thực hiện những bài kiểm tra nhận thức thì các nhà nghiên cứu tiến hành đo lượng máu trong não của họ bằng cách sử dụng máy chụp cắt lớp đơn photon (SPECT).

Các nhà nghiên cứu đã phân tích tổng cộng 128 vùng não của những người tham gia ở giai đoạn đầu nghiên cứu và trong suốt quá trình họ tập trung làm việc. Kết quả cho thấy rằng phụ nữ có lưu lượng máu cao hơn ở vỏ não trước trán so với nam giới, điều này giúp giải thích việc phụ nữ thường đồng cảm, trực giác, hợp tác, tự chủ và thể hiện mối quan tâm đúng lúc hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy lưu lượng máu ở vùng limbic của bộ não phụ nữ có sự gia tăng - điều này phần nào giải thích lý do mà phụ nữ dễ bị lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, và rối loạn ăn uống.

Tuy nhiên, bộ não của con người - bất kể giới tính - có thể thay đổi và cực kì khó hiểu. Giống như ông Gina Rippon - Giáo sư về Hình ảnh Nhận thức tại trường Đại học Ashton đã viết trong một báo cáo vào năm ngoái: "Ý niệm về việc bộ não con người có tính dẻo dai, dễ uốn nắn, và quan trọng nhất là vẫn giữ được những đặc tính đó trong suốt cuộc đời là một trong những bước đột phá quan trọng trong hiểu biết của chúng ta về bộ não suốt 40 năm qua".

Các quan điểm xã hội và những kỳ vọng như khuôn mẫu có thể thay đổi cách thức xử lý thông tin của bộ não. Những sự khác biệt của bộ não về đặc điểm hành vi và kỹ năng nhận thức có thể thay đổi theo thời gian, địa điểm và văn hoá do những yếu tố bên ngoài mà con người trải nghiệm, chẳng hạn như khả năng tiếp cận với giáo dục, sự độc lập tài chính, hay thậm chí là chế độ ăn uống.

Nghiên cứu này đã được xuất bản trên Tạp chí về Bệnh Alzheimer.

Cập nhật: 23/04/2018 Theo khampha
  • 546