Vì sao răng khôn hay gây đau?

  •  
  • 1.460

Răng khôn là răng mọc sau cùng trên cung hàm hay còn gọi là răng hàm lớn thứ ba, thường bắt đầu mọc từ tuổi 17 trở lên (nếu còn đủ chỗ sau răng số 7). Do mọc sau cùng, phía trước có răng số 7, phía sau có ngành lên xương hàm dưới nên răng khôn hàm dưới có thể bị thiếu chỗ để mọc bình thường dẫn đến mọc lệch, mọc ngầm.

(Ảnh: evoprodev.com)Những trường hợp mọc lệch, mọc ngầm gọi chung là mọc kẹt, tức là răng đó không có đủ chỗ để mọc lên bình thường hoặc hướng mọc của cái răng đó bị nghiêng làm cho nó không mọc lên được.

Khi răng khôn hàm dưới mọc ngầm có thể sẽ có nang thân răng bao quanh và bị viêm nhiễm, với răng khôn mọc lệch sẽ dễ bị kẹt thức ăn và khó vệ sinh răng miệng dẫn đến viêm nhiễm.

Trường hợp răng khôn hàm trên thiếu chỗ thường sẽ mọc chếch ra phía má và phía sau, trong lúc ăn nhai dễ cắn phải má, răng khôn mọc lệch làm cho vệ sinh răng miệng khó khăn, dễ bị sâu răng khôn và đau tủy răng. Nói chung, răng khôn hàm dưới thường gây biến chứng nhiều hơn và nặng hơn răng khôn hàm trên.

Biến chứng thường gặp khi răng khôn hàm dưới mọc lệch là viêm túi quanh răng khôn rồi lan ra mô mềm xung quanh, mủ có thể chảy ra mặt ngoài xương hàm dưới và xuống vùng thanh bên họng rồi xuống cổ.

Khi có sưng đau và hạn chế há miệng ở vùng răng khôn thì bệnh nhân cần được dùng kháng sinh và các thuốc giảm đau chống viêm, nên dùng kháng sinh phổ rộng và dùng nước súc miệng thường xuyên vì trong túi lợi răng khôn thường có vi khuẩn kỵ khí.

Hiện nay để thuận tiện cho việc điều trị, các hãng thuốc thường sản xuất kháng sinh dưới dạng hỗn hợp ví dụ như Vidorigyl, trong mỗi viên Vidorigyl có 100mg acetyl spiramicin và 125 mg metronidazole. Người lớn dùng liều 2 viên/lần, uống 2 đến 3 lần/ngày sau bữa ăn. Nếu mủ tụ lại thành ổ áp xe thì cần được chích rạch và dẫn lưu 24h. Sau khi bệnh nhân hết sưng đau thì cần được nhổ răng khôn.

Bệnh nhân cần được tiêm thuốc tê để mất cảm giác hoàn toàn ở quanh vùng răng khôn, một số trường hợp có thể gây mê nếu răng khôn kẹt hoàn toàn trong xương hàm, bệnh nhân không được ăn trong vòng 6 giờ trước khi gây mê. Việc nhổ răng khôn kẹt bắt đầu với việc rạch và tạo vạt lợi để bộc lộ vùng phẫu thuật, răng khôn có thể được lấy ra nguyên vẹn hoặc cắt làm nhiều phần nếu kẹt vào răng số 7. Sau khi răng khôn được lấy ra, rìa xương ổ răng khôn cần được làm nhẵn, rửa sạch bằng nước muối, ôxy già, betadin rồi khâu đóng vạt lợi, nếu là chỉ không tiêu thì sau 5 ngày bệnh nhân cần quay lại để cắt chỉ. Bệnh nhân cần được cắn gạc từ 15 đến 20 phút.

Thạc sĩ LÊ LONG NGHĨA 

Theo Sức khỏe đời sống, Nhân dân
  • 1.460