Chiếc khăn lụa màu trắng đơn giản nhưng lại là một trong những món phụ kiện bắt mắt nhất trên bộ trang phục của các Phi tần, Cách cách Mãn Thanh, nhưng công dụng thực sự của nó thì không phải ai cũng hiểu rõ.
Thời nhà Thanh luôn nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc vì những loại trang sức tinh xảo hiếm được dành riêng cho phái nữ thuộc giai cấp quý tộc, cung đình. Đối với phụ nữ thời kì này, những món đồ đẹp để tạo hình cho mái tóc, bàn tay hay phụ kiện điểm xuyết cũng quan trọng không kém gì một bộ quần áo lụa là gấm vóc. Vì vậy, họ bắt đầu sáng tạo ra những phục sức đặc biệt để thể hiện sự cao quý của bản thân và cũng khiến mình trở nên nổi bật hơn trong chốn hậu cung ba nghìn giai lệ.
Chiếc khăn quàng cổ màu trắng không kém phần quan trọng trên y phục của Phi tần nhà Thanh.
Ngoài những món đồ thường thấy trong phim cổ trang như chiếc móng tay dài, trâm cài tóc được thiết kế tinh xảo hay những bộ áo quần được dệt, thêu tỉ mỉ bằng bàn tay của những nghệ nhân bậc thầy nhất; còn phải kể đến chiếc khăn quàng cổ màu trắng không kém phần quan trọng trên y phục của Phi tần, Cách cách nhà Thanh.
Chiếc khăn lụa trắng này được gọi là "Long Hoa". Nó không xuất hiện ở bất cứ triều đại nào khác trong lịch sử Trung Quốc mà là phục sức đặc trưng của riêng phụ nữ Mãn Châu. Long Hoa chủ yếu có màu trắng và thường được làm bằng tơ lụa, vì vậy chỉ những người giàu có thời nhà Thanh mới có thể sử dụng.
Không chỉ vậy, Long Hoa cũng phân theo cấp bậc, địa vị xã hội của người đeo. Phi tần có địa vị trong cung cao thấp khác nhau thì độ rộng, dài và hoa văn trên Long Hoa cũng khác nhau. Người có thân phận thấp nhất thì chỉ được đeo một dải khăn màu trắng đơn giản, không có thêm bất cứ hoa văn nào. Cho nên trong Tử Cấm Thành, người ta thậm chí có thể xác định được cấp bậc của một nữ nhân thông qua chiếc Long Hoa mà họ đeo trên cổ.
Cả Phi tần và cung nữ đều đeo chiếc khăn lụa trắng nhưng thiết kế của nó phụ thuộc vào cấp bậc của người sử dụng.
So với Phi tần bình thường, đương nhiên Long Hoa của Hoàng hậu và Thái hậu cũng được thiết kế đặc biệt hơn. Hoàng hậu là "mẫu nghi thiên hạ", đứng đầu hậu cung, vì vậy hình thêu trên Long Hoa không phải chỉ là những bông hoa, chiếc lá bình thường mà được tự ý chọn cho mình một hoa văn độc nhất vô nhị, không ai có được đó là hoa mẫu đơn biểu tượng cho sắc đẹp và quyền lực của quốc gia, một loài hoa mà các phi tần khác không thể thêu. Nếu có phi tần nào vì không hiểu quy tắc này mà thêu lên hoa mẫu đơn thì có thể bị coi là kiêu ngạo. Nhẹ thì bị phạt đánh mà nặng thì cả gia đình phải chịu tội.
Nhờ đó, khi Hoàng hậu bước trong Tử Cấm Thành, chiếc Long Hoa trở thành phụ kiện vô cùng bắt mắt và thể hiện được địa vị mà ai cũng phải nể trọng của chủ nhân. Về phần Thái hậu, hình thêu trên Long Hoa thường là các chữ "Thọ" lớn, đại diện cho uy quyền tối cao của Thái hậu và mang ý nghĩa cầu chúc sống lâu trăm tuổi.
Những chiếc Long Hoa cao quý và độc đáo của Hoàng hậu (phải) và Thái hậu (trái) trong hậu cung nhà Thanh.
Trong tam cung lục viện với hàng nghìn phi tử, cung nữ của Hoàng đế Thanh triều, việc sử dụng Long Hoa ngoài giúp cho các vị vua có thể thuận tiện hơn trong việc xác định cấp bậc của phi tử thì nó còn có một công dụng khác. Trang phục truyền thống của người Mãn vốn không có cổ áo, việc đeo thêm Long Hoa mang mục đích để tạo sự khác biệt giữa trang phục của nam giới và nữ giới, đồng thời tạo sự kín đáo hơn cho phần cổ của phụ nữ thời kỳ này.
Dải lụa trắng mà nhiều công dụng đến vậy khiến chúng ta không ngừng cảm thán trước những lễ nghi trong cung. Nhưng đồng thời cũng thở dài thương thay cho những nữ nhân chốn thâm cung này. Mọi suy nghĩ, thái độ thậm chí cả sinh mệnh đều nằm trong tay của kẻ khác. Thực sự đúng với câu: “Cửa cung sâu tựa bể, đều là người đáng thương".
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thời đại, vào cuối triều đại nhà Thanh và Trung Hoa Dân Quốc, chiếc Long Hoa trên quần áo thường ngày của phái nữ dần dần được thay thế bằng việc may thêm một chiếc cổ áo cố định. Tuy nhiên, đây vẫn luôn là một trong những món phục sức đẹp mắt và thu hút nhất trên y phục của nữ nhân ngày xưa.